Phát huy tốt nhất tiềm năng và lợi thế của kinh tế biển
Việt Nam là quốc gia ven biển, có bờ biển dài 3.260 km, với trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và vùng biển, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế rộng gấp hơn 3 lần diện tích đất liền. Tài nguyên hải sản của vùng biển nước ta khá phong phú và đa dạng, với hơn 2.000 loài sinh vật biển, đảm bảo trữ lượng khai thác hàng năm gần 2 triệu tấn; cộng với các điều kiện thủy văn và hệ thống sông ngòi, kênh rạch, đầm phá, ao hồ rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, tạo nên những thế mạnh, tiềm năng trong phát triển kinh tế biển của đất nước.

ảnh st

         Phát triển kinh tế biển, mở rộng phạm vi hoạt động kinh tế trên vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của nước ta là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để vừa khai thác nguồn lợi biển vừa khẳng định chủ quyền và nâng cao khả năng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải.

         Nhận thức rõ vị trí chiến lược của biển và vai trò quan trọng của ngành Thủy sản đối với sự nghiệp phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, những năm qua, ngành Thủy sản đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, bền bỉ phấn đấu, phát triển từ một lĩnh vực sản xuất nhỏ, vươn lên trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khối nông, lâm, thủy sản (năm 2007 đạt mức tăng 11%), đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước.

         TS Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, ngành thủy sản trong đó nghề khai thác hải sản trên Biển Đông góp phần không nhỏ cho nền kinh tế quốc dân. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu thủy sản đã đạt trên 8,5 tỷ USD và phần USD xuất khẩu này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà ngành thủy sản đem lại cho quốc gia. Kinh tế thủy sản mà đặc biệt là nghề khai thác thủy sản trên Biển Đông không chỉ bảo đảm công ăn việc làm, an sinh cho người dân, mà còn gánh vác vai trò quan trọng khác là khẳng định chủ quyền và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo nước ta.

ảnh st

          Chính phủ cần nghiên cứu kỹ vai trò trọng tâm của các ngành kinh tế trong nền kinh tế biển ở đâu. Trong kinh tế biển vừa qua có nói đến năng lượng biển nhưng cũng chỉ nói về năng lượng từ thủy triều mà không nhắc đến các nguồn năng lượng khác như: sóng biển, gió biển, nắng biển, nhiệt biển và những dòng hải lưu nằm sâu dưới lòng biển của nước ta. Đây là những vấn đề cần lưu ý đến trong kinh tế biển.

         Đối với thủy sản, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, trong đó có chủ trương phát triển khá toàn diện; tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm đến vấn đề mà nền nông nghiệp Việt Nam chú trọng và Chính phủ rất quan tâm đó là nông nghiệp – nông dân – nông thôn trong đó con người là trung tâm; thì trong ngành thủy sản đặc biệt là khai thác hải sản trên biển lại càng phải quan tâm đến mối quan hệ chặt chẽ ngư dân – ngư nghiệp – ngư trường. Ngư dân – con người là trung tâm của sự phát triển; ngư nghiệp – quan tâm khoa học công nghệ năng suất và hiệu quả lao động; ngư trường – không gian bao la trên biển mà ngư dân được đánh cá. Chúng ta có 1 triệu km2 đặc quyền kinh tế, đó là ngư trường của chúng ta phải làm chủ. Tuy nhiên, ngư trường của chúng ta có thể rộng lớn hơn đó là các vùng biển quốc tế, vùng biển nước lân cận mà chúng ta có thể hợp tác rất lớn. Chính phủ cần có 1 chính sách mở rộng ngư trường này để phát huy hết tài năng, trí tuệ của ngư dân, TS Thắng cho biết thêm.

ảnh st

          Mặt khác, nước ta có trên 3.260 km bờ biển, hàng chục tỉnh, thành có biển, những địa phương có biển cần phải được đầu tư mạnh hạ tầng giao thông, điện, nước; hiện nhiều tỉnh ven biển thiếu nước ngọt ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế nói chung và đời sống của nhân dân nói riêng. Biển là tiềm năng rất lớn của chúng ta nên trong nền kinh tế biển cũng như trong định hướng tới, cố gắng đầu tư phát huy tốt nhất tiềm năng và lợi thế của kinh tế biển thì chúng ta mới có được 63% GDP thu được từ biển, TS Thắng cho hay.

         Thủy sản là một ngành kinh tế quốc dân quan trọng, hoạt động trải rộng trên khắp các vùng biển và ven biển của Tổ quốc, luôn có quan hệ mật thiết với vấn đề bảo vệ nguồn lợi biển, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên hướng biển, nên sự phát triển của Ngành luôn gắn bó hữu cơ với việc xây dựng tiềm lực quốc phòng-an ninh (QP-AN), củng cố thế trận QPTD và (ANND) trên từng vùng biển, ven biển, hải đảo và của cả nước. Bởi vậy, lãnh đạo Bộ và Ngành rất coi trọng và luôn quan tâm chăm lo, thực hiện tốt việc kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường tiềm lực QP-AN, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sự kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường QP-AN, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc được thể hiện rõ trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển của Ngành, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, phát triển các đội tàu, thuyền đánh bắt hải sản của các doanh nghiệp và các hợp tác xã nghề cá; trong nghiên cứu khoa học sông, biển, hải đảo và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; trong xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận ANND trên các vùng biển, hải đảo và ven biển. Sự kết hợp kinh tế biển với QP-AN còn được thể hiện cụ thể trong các hoạt động kiểm tra, giám sát, thực thi pháp luật và giữ gìn an ninh, trật tự trên biển./.

Nguồn: Liên hiệp hội Việt Nam

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 14
  • Trong tuần: 492
  • Tất cả: 434913