Làm thế nào để xây dựng thương hiệu mạnh cho báo chí Liên hiệp hội Việt Nam
Khối cơ quan báo chí thuộc hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) chiếm số lượng khá lớn trong tổng số cơ quan báo chí tại Việt Nam. Hầu hết trong số đó là các cơ quan báo chí chuyên ngành khoa học và công nghệ (KH và CN), trực thuộc các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các viện nghiên cứu. Họ có vị thế, vai trò truyền thông nhất định trong xã hội, nhưng câu chuyện xây dựng được tờ tạp chí có thương hiệu mạnh luôn là bài toán khó.

Đại diện một số CQBC chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo LHHVN tại Lễ Gặp mặt các CQBC nhân kỉ niệm 96 năm ngày BCCMVN

         Thế mạnh đặc biệt của báo chí KH và CN
         Theo thống kê (trên giấy phép đăng ký), toàn hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đến đầu năm 2020 có 113 cơ quan báo chí, 441 ấn phẩm thông tin báo chí. Trong đó có 26 cơ quan báo chí do Đoàn chủ tịch Hội đồng Trung ương trực tiếp và gián tiếp quản lý. 25 cơ quan báo chí do các viện trực thuộc LHHVN quản lý.
         Các cơ quan báo chí nằm trong hệ thống LHHVN thuộc cơ quan chủ quản là các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoặc viện chuyên ngành do đó hầu hết là báo chí KH và CN. Đây cũng là một trong những thế mạnh đặc biệt của LHHVN. Các cơ quan báo chí đang đồng hành cùng LHHVN thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
         Mỗi cơ quan báo chí có tôn chỉ, mục đích, cơ quan ngôn luận của hội ngành riêng. Nhưng họ đều có chung nhiệm vụ: Truyền tải, phổ biến, thông tin KH và CN; Không ngừng thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; Truyền thông phổ biến kiến thức KH và CN, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các hoạt động tôn vinh trí thức KH và CN Việt Nam; Thông tin chính trị, thời sự, văn hóa, xã hội phục vụ nhu cầu công chúng cả nước (khẳng định của Đại hội VI,VII và Đại hội VIII Liên hiệp hội Việt Nam).
Nếu nói về xác định tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí có lẽ khối báo chí LHHVN là dễ nhìn ra nhất, bởi chỉ cần nhìn vào cơ quan chủ quản của tờ tạp chí là biết. Đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của ngành mình thì đương nhiên hàm lượng thông tin báo chí dành cho chuyên ngành là chiếm đa số, phục vụ cho việc truyền thông, phổ biến kiến thức, kết nối,… thúc đẩy sự phát triển của ngành.

TSKH. Phan Xuân Dũng – Chủ tịch LHHVN phát biểu tại Lễ Gặp mặt các CQBC nhân kỉ niệm 96 năm ngày BCCMVN 


         Chính vì vậy, nếu truyền thông về mảng công nghệ Tự động hóa có lẽ không báo nào có nhiều bài viết, bài viết chuyên sâu, đa chiều, liên ngành về tự động hóa nhiều như Tạp chí Tự động hóa ngày nay (thuộc Hội Tự động hóa Việt Nam). Hay xoay quanh câu chuyện của ngành Cơ khí, cũng hiếm có báo nào dành nhiều thời lượng, diện tích để đưa thông tin nhiều như Tạp chí Cơ khí Việt Nam của Tổng hội Cơ khí. Tương tự như vậy với Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y, Tạp chí Năng lượng nhiệt,…
         Với tính chất chuyên ngành như vậy, mỗi cơ quan báo chí LHHVN đều trở thành diễn đàn thu hút đông đảo cộng đồng những người quan tâm đến lĩnh vực chuyên ngành đó, trong đó có các nhà khoa học, doanh nghiệp,… Đây cũng là thị trường báo chí chính của các tờ tạp chí mà ít bị cạnh tranh bởi số lượng bài hay chuyên mục nào đó của một số tờ báo khác ngoài hệ thống báo chí LHHVN.
Khoa học và công nghệ ngày nay phát triển mạnh mẽ, công nghệ mới, công nghệ chủ lực thay đổi từng ngày và gắn liền với tất cả các lĩnh vực trong mỗi nền kinh tế, mỗi quốc gia. Khoa học và công nghệ cũng là động lực của phát triển. Bởi vậy đây là nguồn đề tài phong phú cho báo chí khoa học và công nghệ.

          Báo chí Liên hiệp hội phải trở thành thương hiệu mạnh

         Có thế mạnh đặc biệt, cũng đồng nghĩa với việc có áp lực làm thế nào để phát huy được thế mạnh đó, thực sự trở thành điểm đến của độc giả chuyên ngành cũng như chất xúc tác thúc đẩy ngành phát triển.
Phát biểu tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí trong hệ thống báo chí của LHHVN (diễn ra ngày 18/6, tại Hà Nội) nhân 96 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, TSKH. Phan Xuân Dũng – Chủ tịch LHHVN cho rằng: Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với lực và vị thế cao hơn trước rất nhiều, thị hiếu và cách đọc cũng khác đi rất nhiều. Từ đó đòi hỏi báo chí cách mạng nước ta phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu mới nâng cao.

Đại diện các CQBC tham dự Lễ Gặp mặt nhân kỉ niệm 96 năm ngày BCCMVN 

         TSKH. Phan Xuân Dũng cũng nhấn mạnh: Đối với báo chí của LHHVN để phát huy hơn nữa thế mạnh, thực hiện đúng vai trò cơ quan ngôn luận của đơn vị chủ quan, cơ quan truyền thông của Đảng và Nhà nước, của LHHVN thì cần phải cố gắng hơn nữa, đặt ra lộ trình phương hướng khắc phục khó khăn tồn tại để đưa cơ quan báo chí thực sự là công cụ thông tin tuyên truyền có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước, của LHHVN. Báo chí LHHVN phải xây dựng được cách tiếp cận riêng, nguồn thông tin riêng với cách trình bày hấp dẫn và trí tuệ, phải có trường phái riêng, tôn chỉ mục đích của một tổ chức khoa học, tổ chức chính trị xã hội, của đội ngũ tri thức khoa học công nghệ Việt Nam. Có được cách lôi cuốn đông đảo bạn đọc thì mới có chỗ đứng đối với bạn đọc. Nghĩa là báo chí LHHVN phải phấn đấu để trở thành thương hiệu mạnh, từ đó mới có thể nói rằng tiếp tục tồn tại và phát triển.

          Phản biện là “đặc sản” của báo chí Liên hiệp hội

         Khối báo chí thuộc hệ thống LHHVN ngoại trừ cơ quan trực thuộc Đoàn chủ tịch Hội đồng trung ương LHHVN quản lý (Báo Tri thức và Cuộc sống) và các cơ quan báo chí thuộc viện nghiên cứu do LHHVN thành lập thì đều hoạt động trong điều kiện tự chủ hoàn toàn về tài chính. Khó khăn là vấn đề muôn thuở của khối báo chí này khi mà nguồn thu chủ yếu phụ thuộc các hợp đồng quảng cáo.
         Làm thế nào để có nguồn thu, duy trì sự tồn tại của tòa soạn, để phát huy được thế mạnh của báo chí khoa học và công nghệ? Quan điểm của cá nhân tác giả bài viết thì bám vào thế mạnh đặc biệt của báo chí chuyên ngành chính là giải pháp tốt nhất. Đây là giá trị cốt lõi của tờ tạp chí, bên cạnh những lượng thông tin chính trị, thời sự, văn hóa, xã hội khác phục vụ nhu cầu công chúng cả nước. Đi đúng giá trị cốt lõi của tờ tạp chí cũng là tìm đúng thị trường báo chí của mình và không sợ vi phạm tôn chỉ, mục đích. Cách khai thác vào thị trường ấy tùy vào thế mạnh của từng mảng nội dung mà tờ tạp chí truyền thông, từng cơ quan chủ quản và sự năng động của mỗi cơ quan báo chí.
         Phát biểu tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí trong hệ thống báo chí của LHHVN vừa diễn ra ngày 18/6 tại Hà Nội, PGS.TS. Phạm Bích San – Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Nghe nhìn Việt Nam cũng cho rằng, báo chí LHH phải phục vụ đúng nhu cầu thị trường, thị trường là vô cùng lớn. Thị trường theo cách mà PGS.TS. Phạm Bích San đề cập chính là: “Báo chí cần sòng phẳng với bạn đọc, mang lại những giá trị gia tăng cho bạn đọc, tránh xa kiểu làm báo dựa trên sự đe dọa, làm tiền từ doanh nghiệp vì có thể gây hậu quả không mong muốn do ý chí chủ quan, hoặc không đủ lực để ‘đe dọa’ người khác dẫn đến bị phản đòn”.

PGS. TS. Phạm Bích San – Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Nghe nhìn Việt Nam phát biểu

         Đặc biệt, báo chí LHHVN cần xây dựng những bài viết phản biện lớn, có trách nhiệm về các chính sách dành cho số bạn đọc có trách nhiệm cao và có khả năng chi trả cao. Doanh nghiệp thường là đối tượng độc giả của loại bài viết này, cũng là có khả năng ảnh hưởng đến nguồn thu của tờ báo nhờ những thông tin và quan điểm mà báo cung cấp. “Phản biện là đặc sản của báo chí LHHVN”, PGS. TS. Phạm Bích San nhấn mạnh.
Phản biện xã hội không những là chức năng của báo chí nói chung trong việc thực hiện vai trò xã hội của mình mà với đặc thù là báo chí thuộc hội ngành/viện nghiên cứu chuyên ngành, trở thành cơ quan ngôn luận của hội/viện thì càng cần thể hiện rõ hơn chức năng này. Bởi đây cũng là một trong những chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan chủ quản.
         “Đặc sản” phản biện xã hội đối với báo chí LHHVN không chỉ ở góc độ là chức năng nhiệm vụ mà còn là thế mạnh, bởi mỗi hội đều là nơi tập hợp, quy tụ được nhiều trí thức, nhà khoa học hội viên có tiếng nói, có am hiểu sâu về chuyên ngành của mình để đưa ra tiếng nói, quan điểm khoa học trước mỗi vấn đề. Đây là điều kiện thuận lợi trong tác nghiệp của báo chí LHHVN.
Phản biện xã hội cũng phù hợp với đặc thù của loại hình tạp chí nói chung, phù hợp nhu cầu thông tin của độc giả trong thời kỳ phát triển, cần những bài báo chuyên sâu, có nội dung phân tích đánh giá, bình luận một vấn đề cụ thể đang được xã hội quan tâm trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học,…
         Đây cũng là quan điểm chỉ đạo, định hướng thông tin mà Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo trung ương luôn đề cập trong các kỳ giao ban tạp chí thường kỳ nhằm khuyến khích các cơ quan tạp chí thực hiện tạo nên giá trị cốt lõi của tờ tạp chí, đồng thời tránh được tình trạng giật gân, câu view, vi phạm tôn chỉ mục đích. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo từng nhấn mạnh: Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển như ngày nay thì xu thế của báo chí thế giới là đang báo hóa tạp chí chứ không phải tạp chí hóa báo.
         Tính đến ngày 31/12/2020, ở Việt Nam có 779 cơ quan báo chí với hàng ngàn ấn phẩm thông tin báo chí. Bên cạnh đó là các trang mạng xã hội. Có thể nói, nhìn từ thực tế, thông tin thời sự không phải là thế mạnh của loại hình tạp chí.

          Không dễ để phát huy được bản sắc

         Để phát huy được bản sắc này của khối báo chí LHHVN không phải là dễ với tất cả các cơ quan báo chí.
Trước hết người làm báo cần hội tụ đủ một số phẩm chất nhất định: đạo đức nghề nghiệp, trí tuệ, kỹ năng tác nghiệp và trên hết là ý thức trách nhiệm xã hội của người làm báo.
         Xét về kỹ năng tác nghiệp, PGS. TS. Phạm Bích San cho rằng: Người làm báo cần được đào tạo bài bản về phương pháp luận khoa học xã hội. Thiếu những cơ sở kinh tế và cơ sở xã hội, bài báo sẽ không phản ánh được thực tế xã hội, không sâu sắc. Tuy nhiên, việc đào tạo phương pháp luận khoa học xã hội đang khá hiếm ở các trường dạy làm báo; Người làm báo cần nắm được xu thế của xã hội để đưa thông tin ra phù hợp tình hình; Cuối cùng phải biết cẩn trọng với những gì mình biết và những tác động nào có thể xuất hiện do thông tin mình đưa ra.

         Không thể phủ nhận khối báo chí LHHVN có thế mạnh riêng, cũng đã có những cơ quan báo chí vững vàng được, có chỗ đứng trong làng báo Việt Nam. Điều này còn phụ thuộc vào cách thức, năng lực tổ chức hoạt động của tòa soạn. Cũng không thể phủ nhận rằng nhiều cơ quan báo chí đang đứng trước “cái khó bó cái khôn”, mặc dù đã có lịch sử xuất bản báo chí khá lâu.
         Nhưng có một thực tế không thể đảo ngược là KH và CN phát triển thì báo chí cũng phải phát triển theo. Chất lượng người làm báo cũng phải thay đổi, nền tảng truyền thông báo chí cũng phải thay đổi để theo kịp thị hiếu, nhu cầu của độc giả, lôi kéo được nhiều độc giả từ đó giải quyết bài toán kinh tế báo chí./.

Nguồn: Liên hiệp hội Việt Nam

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online:
  • Hôm nay:
  • Trong tuần: 478
  • Tất cả: 434899