Hội thảo Khoa học “Đánh giá, nhân rộng mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi gà theo hướng an toàn”
Ngày 22 tháng 12 năm 2016, tại Hội trường Ủy ban nhân dân xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trà Vinh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tổ chức Hội thảo chủ đề “Đánh giá, nhân rộng mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi gà theo hướng an toàn”, nhằm đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm từ kết quả mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi gà ấp Hưng Nhượng A, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long về quản lý, điều hành Tổ hợp tác, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả kinh tế. Qua đó, giúp ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, địa phương hoạch định cho ngành chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng trong thời gian tới có hiệu quả hơn.

Chủ trì Hội thảo

Tại hội thảo có 81 đại biểu tham dự, gồm có: Ông Châu Văn Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Bà Lê Tuyết Hồng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh; ông Hồ Đức Thẩm, Phó Giám đốc Chương trình Dự án Heifer Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Thạnh, Giám đốc Kinh doanh, Công ty cổ phần CP. Việt Nam; các Ông (bà) là đại diện Sở  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh; Chi cục Phát triển nông thôn; Chi cục chăn nuôi thú y; Trung tâm Giống nông nghiệp; Trung tâm Khuyến nông; Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Phòng kế hoạch - Tài chính thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Dự án Heifer Việt Nam; các đồng chí ở Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Trà Vinh; đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Càng Long; các đồng chí đại diện Ủy ban nhân dân và cán bộ nông nghiệp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; Đại diện lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã và các Ban ngành, Đoàn thể xã Phương Thạnh; Các đồng chí thành viên Tổ Hợp tác chăn nuôi gà ấp Hưng Nhượng A, xã Phương Thạnh và một số hộ dân có kinh nghiệm nuôi gà trên địa bàn huyện.

 

Quang cảnh Hội thảo


Tại Hội thảo, đại biểu đã được nghe báo cáo thực trạng tình hình chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh, báo cáo về tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác chăn nuôi gà ấp Hưng Nhượng A, xã Phương Thạnh, các ý kiến phát biểu tham luận và thảo luận của đại biểu,... Qua đó, cho thấy về tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác chăn nuôi gà đã không ngừng mở rộng về quy mô và ngày càng phát triển. Tổ hợp tác nuôi gà ấp Hưng Nhượng A được hình thành vào năm 2013 dựa trên cơ sở hỗ trợ ban đầu của Dự án Heifer. Đến nay, Dự án Heifer đã chuyển giao về địa phương quản lý nhưng Tổ hợp tác vẫn được duy trì và hoạt động ổn định. Từ khởi điểm ban đầu có 2 hộ nuôi 800 con, đến nay Tổ hợp tác phát triển lên 14 hộ, duy trì thường xuyên đàn gà nuôi khoảng 20.000 con, cao điểm là 23.000 con. Mỗi năm, Tổ hợp tác xuất bán 70 - 80.000 gà thịt (11,25 tấn), trị giá khoảng 7.875 triệu đồng. Đây là Tổ hợp tác được Sở Nông nghiệp và PTNT chọn làm Tổ hợp tác điểm của tỉnh để nhân rộng.
Hoạt động nổi bật của Tổ hợp tác là có sự liên kết đầu vào - đầu ra như về con giống, thức ăn, thuốc thú y, lao động, bán sản phẩm,... từ đó giá thành sản xuất giảm, tạo được lợi thế canh tranh và tăng thu nhập cho các thành viên. Hoạt động chăn nuôi của Tổ hợp tác theo hướng an toàn dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật xử lý chất thải trong chăn nuôi (đệm lót sinh học) giảm ô nhiễm môi trường, đã góp phần rất lớn thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống của các hộ chăn nuôi lân cận, hình thành được khu vực chăn nuôi tập trung,...
Tuy nhiên, Hội thảo cũng nhận định: Quá trình hoạt động Tổ hợp tác cũng còn một số hạn chế như: Về năng lực quản lý của Ban quản lý Tổ hợp tác; khả năng mở rộng quy mô sản xuất; nguồn con giống bị lệ thuộc dẫn đến sản phẩm thiếu đồng đều về số lượng và chất lượng; tính ổn định đầu ra của sản phẩm chưa cao,...
Để phát triển ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà nói riêng cần quan tâm những vấn đề sau:
1. Về con giống: Cần quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất con giống, chú ý phát triển giống gà nòi lai, vẫn còn được thị trường chấp nhận so với giống gà công nghiệp.
2. Về kỹ thuật: Sử dụng đệm lót sinh học nhằm giảm thiểu mùi hôi, ít ảnh hưởng môi trường. Tuy nhiên, cần bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý, quan tâm vấn đề vệ sinh phòng dịch.
3. Liên kết sản xuất: Để phát triển ổn định nông dân cần phải mở rộng quy mô hợp tác, liên kết đầu vào từ con giống, thức ăn, thuốc thú y,... đến vấn đề đầu ra sản phẩm, thông tin thị trường,...
4. Sản xuất theo hướng an toàn: Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là rất quan trọng, cần chú ý vấn đề dự lượng thuốc kháng sinh trong sản phẩm nhằm hướng đến việc phát triển bền vững./.
                                                                                                                            Tin, ảnh:  Văn Vũ – Đại Nghĩa


TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 21
  • Trong tuần: 434
  • Tất cả: 434784