Đấu tranh, phản bác những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch về chính sách đối với đồng bào Khmer từ thực tiễn ở Trà Vinh
Trà Vinh là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có 65 km bờ biển, diện tích tự nhiên là 2.341 km2. Toàn tỉnh có 07 huyện, 01 thị xã, 01 thành phố; 106 xã, phường, thị trấn. Dân số toàn tỉnh có trên 01 triệu người với 03 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa, trong đó dân tộc Khmer có 329.662 người (89.429 hộ), chiếm 31,53%; có 59 xã, phường, thị trấn có trên 20% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer Trà Vinh. Ảnh Duy Quang

         Đại đa số đồng bào Khmer Trà Vinh là giai cấp nông dân, dưới ách thống trị của phong kiến, thực dân và đế quốc, đồng bào bị áp bức, bóc lột nặng nề. Điều đó, đã tạo cho đồng bào Khmer lòng căm thù giặc sâu sắc và tinh thần cách mạng kiên cường, dũng cảm. Ngay từ khi thực dân Pháp đặt chân xâm lược nước ta, đồng bào Khmer đã tham gia các cuộc khởi nghĩa chống thực dân. Đặc biệt, từ khi Tỉnh ủy Trà Vinh ra đời, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện và tổ chức, đồng bào Khmer Trà Vinh đã sát cánh cùng đồng bào người Kinh, người Hoa,... đấu tranh để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và đấu tranh chống nghèo nàn, lạc hậu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sau ngày 30/4/1975 đến nay.

         Trong những năm qua, thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, các thế lực thù địch, đặc biệt là các hội, nhóm Khmer Kampuchia Krôm, những phần tử có quan điểm cực đoan về dân tộc… ra sức tuyên truyền, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chúng tuyên truyền, lôi kéo, kích động đồng bào Khmer Tây Nam Bộ nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng đòi ly khai, tự trị, thành lập “Nhà nước Khmer Campuchia Krôm”; kích động đồng bào Khmer sang Campuchia dự ngày lễ mất đất 4/6; lén lút đưa vào địa bàn tỉnh các tài liệu, đĩa ghi âm, ghi hình,v.v... tập trung vào các nội dung như: vùng đất Nam bộ là của người Khmer; đồng bào Khmer ở Nam bộ bị áp bức, bóc lột, đời sống nghèo nàn, lạc hậu; Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, vi phạm tín ngưỡng, tôn giáo,v.v...Đối tượng mà chúng nhắm đến là học sinh, sinh viên người Khmer; các hộ gia đình người Khmer có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, đời sống, số đối tượng có quan điểm cực đoan về dân tộc, tôn giáo hoặc có mâu thuẫn về lợi ích trong đời sống, sinh hoạt với cộng đồng dân cư, với chính quyền. Chúng sử dụng nhiều phương thức để truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là Internet, mạng xã hội thông qua các trang web, blog, tài khoản cá nhân,...

         Quán triệt các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đối với đồng bào dân tộc được nêu trong Cương lĩnh Xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011): Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc” và Hiến pháp năm 2013“Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”. Đặc biệt là các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer([1]). Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cụ thể hoá bằng các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh([2]) đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể trong giai đoạn 2015 - 2020, với những kết quả như sau:

         Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, an sinh xã hội, chương trình, dự án, đề án đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Chương trình 135 đầu tư xây dựng 308 công trình cơ sở hạ tầng, hỗ trợ 3.833 hộ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 199.934 lượt hộ nghèo ở vùng khó khăn (kinh phí 25,7 tỷ đồng); hỗ trợ đất ở cho 3.063 hộ (kinh phí 98,2 tỷ đồng); giải ngân cho 3.604 hộ đồng bào dân tộc Khmer để xây dựng nhà ở; giải ngân vốn vay cho 811 hộ phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề (số tiền 26 tỷ đồng); hỗ trợ 15.474 hộ về nước sinh hoạt hợp vệ sinh (số tiền 20 tỷ đồng), nâng tỷ lệ hộ dân tộc Khmer sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,51%; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 135 cho 5.706 hộ (số tiền 63,9 tỷ đồng). Hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm xá, các thiết chế văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc được đầu tư nâng cấp.

         Công nhận 2.650 lượt người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện tốt các chính sách đối với người có uy tín. Đồng thời, thực hiện các chính sách trợ giúp pháp lý; chính sách cấp phát báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ về thông tin và truyền thông; hỗ trợ tiền điện; chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi,v.v...

         Tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vận động đồng bào chuyển đổi sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình tại địa phương. Triển khai 05 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2016 - 2021 giảm 19,91% (tương đương 16.893 hộ), bình quân giảm 4%/năm.

         Các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer luôn được giữ gìn và phát huy. Toàn tỉnh có 100 di tích, trong đó xếp hạng 39 di tích (14 di tích cấp quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh), 87 đội dàn nhạc ngũ âm, 95 đội trống Chhay Dam, 35 đội múa chằn, 40 đội bóng chuyền và 08 đội ghe Ngo, 03 di tích phi vật thể cấp quốc gia, 01 Nhà bảo tàng dân tộc Khmer trưng bày hơn 1.000 hiện vật. Đầu tư xây dựng làng văn hóa - du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh. Đồng bào tích cực tham gia Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hiện có 90,05% gia đình văn hóa; 73,28% ấp, khóm văn hoá; 74,06% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức vào các dịp lễ, tết cổ truyền của đồng bào dân tộc như: Chol Chnam Thmây, Sêne đôlta, Ok Om Bok,... diễn ra sôi nổi, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong tầng lớp nhân dân. Báo Trà Vinh, Tạp chí Văn nghệ (của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) phát hành bằng chữ Khmer; hàng năm, sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức in và phát hành 02 số nội san văn hóa bằng chữ Khmer (số lượng 2.400 bản); Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh có chương trình tiếng Khmer, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh biểu diễn các tiết mục ca múa nhạc dân tộc, trình diễn nhạc cụ dân tộc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc;

         Mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học ở các trường được tăng cường đầu tư xây dựng; tỉnh có 75.492 học sinh dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ 35,33% trong tổng số học sinh; có 08 trường Dân tộc nội trú, 01 trường trung cấp Pali Khmer; Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ thuộc Trường Đại học Trà Vinh. Việc dạy và học chữ Khmer được duy trì và phát triển, toàn tỉnh có 134/143 chùa tổ chức dạy học chữ Khmer dịp hè, có 16.736 học sinh. Thực hiện tốt việc hỗ trợ học sinh ở các trường thuộc xã, ấp đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao trình độ dân trí, bổ sung đội ngũ công chức, viên chức cho vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2020 đạt 67%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%.

         Công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho Nhân dân trong vùng có đông đồng bào Khmer được quan tâm. Toàn tỉnh có 125 cơ sở khám, chữa bệnh; có 791 bác sĩ (270 người dân tộc Khmer); 428 y sĩ (136 người dân tộc Khmer); 916 Điều dưỡng (46 người dân tộc Khmer); 383 dược sỹ (39 người dân tộc Khmer); 230 nữ hộ sinh (47 người dân tộc Khmer); tỷ lệ trạm y tế cấp đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ 100%; tỷ lệ dân số Khmer tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,73%.

         Xây dựng mới Trường Trung cấp Pali - Khmer đưa vào hoạt động vào năm 2019; từ năm 2015 đến năm 2020, đã có 448 tăng sinh, thanh niên Khmer theo học và 114 tăng sinh, thanh niên tốt nghiệp; tạo điều kiện cho 25 tu sĩ (Phật giáo Nam tông Khmer) đi du học ở nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật.

         Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người Khmer được quan tâm. Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số toàn tỉnh 4.848/22.664 người, chiếm tỷ lệ 21,39%([1]). Công tác phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc luôn được chú trọng. Tính đến tháng 12/2020, toàn tỉnh có 7.769 đảng viên dân tộc Khmer, chiếm 17% so với tổng số đảng viên toàn tỉnh; 100% ấp khóm có đông đông bào Khmer có chi bộ Đảng; các địa phương có đông đồng bào Khmer đều bố trí cán bộ Khmer giữ một trong các chức danh chủ chốt. Số cán bộ lãnh đạo người dân tộc Khmer giữ chức vụ từ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố, thị xã trở lên là 40 người (có 11 cán bộ nữ).

         Từ kết quả nêu trên cho thấy, Đảng và Nhà nước Việt Nam nói chung, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Trà Vinh nói riêng đã thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa đồng bào người Kinh, người Khmer, người Hoa, người Chăm,..,tạo mọi điều kiện để đồng bào Khmer cùng phát triển, gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà; bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer được giữ gìn và phát huy; không có tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc; tạo điều kiện cho đồng bào thực hiện quyền dân chủ trong tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách, xây dựng Đảng, chính quyền ở cơ sở. Từ đó, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển toàn diện về mọi mặt, cả về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng; hệ thống chính trị được củng cố theo hướng trong sạch vững mạnh; đội ngũ cán bộ người dân tộc Khmer được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và được phân công, bố trí giữ nhiều trọng trách quan trọng trong bộ máy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

         Những kết quả nêu trên là những minh chứng để đấu tranh, bác bỏ hoàn toàn những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, đặc biệt là các hội, nhóm Khmer Campuchia Krôm, những kẻ có tư tưởng dân tộc cực đoan, hẹp hòi,...chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, chống phá sự nghiệp xây nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

         Trong bất cứ thời kỳ nào, bất cứ hoàn cảnh nào, đồng bào Khmer Trà Vinh luôn phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí cách mạng kiên trung, dũng cảm, luôn tin và đi theo Đảng làm cách mạng; là một lực lượng quan trọng trong các lực lượng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, là một bộ phận tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết không nghe, không tin, không làm theo những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch.


         ([1]) Như: Chỉ thị số 68-CT/TW  ngày 18/ 4/1991 của Ban Bí thư TW (khóa VI) “về công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer”; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành TW (khóa IX) “về công tác dân tộc”; Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư TW (khóa XII) “về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me trong tình hình mới”,...

         ([2]) Như: Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 13/10/1992 của Tỉnh ủy“về công tác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer”; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 10/10/2003 “Về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer”; Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 09/9/2011 “Về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2011-2015”; Kết luận số 01-KL/TU ngày 16/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa X)“về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy (khóa IX) về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2011-2015”; Kế hoạch số 81-KH/TU ngày 03/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa X) “Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới”.

         ([3]) Trong đó, cấp tỉnh 1.687/8.368 người, chiếm tỷ lệ 20,16%; cấp huyện có 2.784/12.013 người, chiếm tỷ lệ 23,17%; cấp xã có 377/2.283 người, chiếm tỷ lệ 16,51%.

Trần Bình Trọng

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh


 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 812
  • Tất cả: 434244