Từ thực tiễn công tác tôn giáo ở Trà Vinh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về tự do tín ngưỡng tôn giáo
Hiện nay, các thế lực thù địch và bọn phản động lưu vong ở nước ngoài vẫn thường xuyên cấu kết, móc nối với số cực đoan trong tôn giáo và số đối tượng cơ hội chính trị trong nước cố tình xuyên tạc vấn đề dân tộc, tôn giáo ở nước ta. Chúng ra sức cho rằng: Đảng và Nhà nước ta thực hiện chính sách “độc tài cai trị”, “đàn áp tôn giáo”, “đàn áp dân tộc”, đưa ra chiêu bài đòi “tự do tôn giáo”, đòi “quyền tự trị cho từng dân tộc”, … để vu cáo “Việt Nam không có tự do tôn giáo”, làm cho chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo hoài nghi về chính sách của Nhà nước ta, hòng kích động, chia rẽ các tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của ta.  

Trường Trung cấp Pali - Khmer tỉnh Trà Vinh. Ảnh VOV

         Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, chúng ta có đủ cơ sở để đấu tranh, phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch.

         Trà Vinh là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có 65 km bờ biển, diện tích tự nhiên là 2.341 km2. Tỉnh có 07 huyện, 01 thị xã, 01 thành phố; 106 xã, phường, thị trấn. Dân số toàn tỉnh có trên 01 triệu người với 03 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa. Toàn tỉnh có 465 cơ sở tín ngưỡng với các loại hình như: Thờ thành hoàng, thờ anh hùng dân tộc, thờ tổ tiên, thờ mẫu...[1]; về tôn giáo có 09 tôn giáo như: Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Tin Lành, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Hồi giáo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Hòa Hảo, với 4.373 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 596.925 tín đồ, chiếm 59,15% so với dân số chung của tỉnh. Ngoài ra, còn có 11 hiện tượng tôn giáo mới chưa được Nhà nước công nhận.

         Là tỉnh có đông đồng bào tin theo tín ngưỡng, tôn giáo, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy; Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh đã chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thông qua Báo Trà Vinh, Đài Phát thanh – Truyền hình Trà Vinh, các Đài Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố, Công thông tin điện tử tỉnh; tạp chí Công tác tư tưởng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đội ngũ báo viên viên, tuyên truyền viên…Qua đó, nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, góp phần đưa chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước đi vào đời sống xã hội, đi vào đời sống tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật; tạo sự đồng thuận xã hội, tập hợp đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhìn chung các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đều tin tưởng vào chủ trương, chính sách, Pháp luật của Đảng và Nhà nước.

          Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, kế hoạch và văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các chỉ thị nghị quyết của Đảng và chỉ đạo hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương phù hợp với tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của địa phương([2]). Qua đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội được Đảng giao nhiệm vụ thực hiện tốt công tác tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân theo quy định của pháp luật.

         Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định tại điều 24 Hiến pháp (năm 2013) và Điều 3 Luật tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện, giúp đỡ, tổ chức, cá nhân tôn giáo hoạt động theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và quy định của pháp luật hiện hành của Nhà nước, cụ thể như:

         Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã chi hỗ trợ hoạt động đạo sự, hỗ trợ Đại hội và Hội nghị giữa nhiệm kỳ, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự và thăm hỏi tổ chức, cá nhân các tôn giáo trong tỉnh nhân dịp tết Nguyên đán, tết cổ truyền của đồng bào dân tộc và các ngày lễ quan trọng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo,...với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng; tiếp xúc, gặp gỡ, vận động và tranh thủ trên 3000 lượt chức sắc, chức việc, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo; cấp Giấy chứng nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được 1.292 /1231 (đạt 95,2% số thửa đất cần cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và cấp giấy phép xây dựng 57 công trình tôn giáo theo quy định của pháp luật. Chấp thuận xây dựng mới 11 cơ sở tôn giáo; chấp thuận cho 02 tổ chức tôn giáo trực thuộc thay đổi trụ sở, 01 tổ chức tôn giáo trực thuộc thay đổi tên,đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 13 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung (11 Tin Lành, 01 Công giáo và 01 Hồi giáo); chấp thuận 522 trường hợp bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc; 100 trường hợp phong phẩm chức sắc, 37 trường hợp thuyên chuyển địa bàn hoạt động của chức sắc, chức việc và xác nhận tiếp nhận 15 trường hợp cách chức, bãi nhiệm chức việc.

         Hỗ trợ xây dựng mới Trường Trung cấp Pali - Khmer tỉnh Trà Vinh với kinh phí 45 tỷ đồng và đưa vào hoạt động vào năm 2019; tạo điều kiện cho Trường Trung cấp Phật học và Trường Trung cấp Pali - Khmer tỉnh Trà Vinh thực hiện chiêu sinh và tổ chức các lớp đào tào theo quy chế hoạt động của nhà trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Từ năm 2015 đến năm 2020 Trường Trung cấp Pali - Khmer tỉnh Trà Vinh đã có 448 tăng, thanh niên sinh theo học và 114 tăng, thanh niên sinh tốt nghiệp; Chấp thuận cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh mở 04 lớp bồi dưỡng tôn giáo (02 lớp bồi dưỡng Trụ trì; 01 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Thư ký và Hành chính văn phòng; 01 lớp khóa huân tu mùa Hạ) cho 495 chức sắc, chức việc các cơ sở tôn giáo tham dự.

         Cho phép thành lập mới một phòng khám Tây y (tại chùa Phước Thanh, xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang)([1]). Đến nay, toàn tỉnh có 23 phòng thuốc nam và 03 phòng khám Tây y do chức sắc, chức việc quản lý các cơ sở tôn giáo phụ trách, góp phần chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

         Tạo điều kiện cho 25 tu sĩ (Phật giáo Nam tông Khmer) đi du học ở nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia hoạt động quốc tế phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và pháp luật của Nhà nước; chủ động thông tin, tuyên truyền đối ngoại, đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo trong giai đoạn hiện nay.

         Đời sống của đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, các hoạt động tôn giáo diễn ra sôi động như: Phật giáo là Đại lễ Phật Đản; việc tổ chức lễ dâng y cà sa chùa Phật giáo Nam tông đều diễn ra ổn định, theo nghi thức tôn giáo phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc; với đồng bào theo đạo Công giáo ngoài các hoạt động đăng ký hàng năm còn tổ chức một số hoạt động củng cố đức tin, tổ chức tĩnh tâm; hoạt động của các tổ chức hệ phái Cao đài tổ chức Hội thánh thường niên nhơn sanh toàn phái và các lớp hạnh đường tuân thủ quy định của Pháp luật, gắn bó với truyền thống văn hóa dân tộc, tín đồ Cao đài tham gia tích cực các phong trào ở địa phương, góp phần cùng nhân dân thực hiện tốt chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam với hoạt động chủ yếu là khám chữa bệnh, trong các hoạt động này đều chấp hành tốt chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.

         Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được tăng cường, kịp thời giải quyết các nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Nhiều vụ việc khiếu nại, tranh chấp, mâu thuẫn nội bộ trong tôn giáo ảnh hưởng đến trật tự an ninh ở địa phương đã giải quyết dứt điểm, góp phần ổn định tình hình an ninh tôn giáo ở địa phương.

         Chính từ các chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cùng với những việc làm thiết thực của cấp ủy và chính quyền địa phương, đã tạo điều kiện cho các hoạt động đạo sự và tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện của các tôn giáo. Điển hình như Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát tâm công đức làm các các việc thiện như: Nuôi dạy trẻ mồ côi, nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa; mở lớp học tình thương, khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, khô hạn, bị ảnh hưởng do đại dịch Covid - 19; trao tặng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; xây cầu, làm đường bê tông; tặng thẻ bảo hiểm, học bổng; tặng xe đạp, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo,...với tổng số tiền vận động trong 20 năm qua (2003 - 2023) hơn 800 tỷ đồng. Nêu cao vai trò của Tăng, Ni trong việc hòa giải những vụ việc dân sự, trong việc khuyên răng tín đồ Phật tử làm điều thiện, tránh điều ác, xây dựng đời sống văn hóa, tham gia phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa,v.v...([1]).

         Từ thực tiễn nêu trên cho thấy các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã thực hiện tốt chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước  kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011): Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân” và Điều. 24, Hiến pháp mới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật...”.

         Thực tiễn đó là những minh chứng để phản bác mạnh mẽ những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng.


          ([2]) Toàn tỉnh có 465 cơ sở tín ngưỡng với các loại hình như:  Đình: Có 103 cơ sở (01 cơ sở được xếp hạng di tích cấp Quốc gia, 06 cơ sở được xếp hạng di tích cấp tỉnh); Miếu: 282 cơ sở (có 02 cơ sở được xếp hạng Di tích cấp tỉn; tín ngưỡng khác như Tha la, Nẹt tà, … có 80  sở.

         ([2]) Cụ thể như: Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND ngày 24/10/2014 quy định hỗ trợ cho tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc tôn giáo hoạt động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh từ nguồn ngân sách nhà nước; Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 19/10/2016 về công tác đối với đạo Tin lành trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 79-KH/TU ngày 20/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới”;

         ([3]) Do các Y, Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cầu Ngang đến khám và cấp phát thuốc miễn phí cho người bệnh, tiền thuốc do Trụ trì chùa Phước Thanh vận động các nhà hảo tâm tài trợ.

         ([4]) Dẫn theo bài tham luận của Hoà thượng Thích Trí Minh tại Hội nghị Tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 - 2023 do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh tổ chức (ngày 23/5/2023)./.

Trần Bình Trọng

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 6
  • Trong tuần: 808
  • Tất cả: 434168