Vai trò của các vị sư Phật giáo Nam tông Khmer trong cách mạng giải phóng dân tộc ở Trà Vinh
Cách nay gần 48 năm, lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được tung bay trước Tòa hành chính và Dinh Tỉnh trưởng ngụy quyền tỉnh Vĩnh Bình. Thị xã Trà Vinh được hoàn toàn giải phóng cùng lúc với Sài Gòn. 

         Đây là thắng lợi to lớn, toàn diện và tròn vẹn, đạt được bằng sức mạnh tổng hợp từ đỉnh cao của tinh thần tiến công cách mạng và ý chí tự lực tự cường của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đã huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện một trận quyết chiến chiến lược chưa từng có trong lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh Trà Vinh Anh hùng. Hơn hai mươi mốt năm chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược và bọn tay sai bán nước đầy gian khổ, hy sinh, đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh hân hoan vui mừng chiến thắng.

         Thắng lợi trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc nói chung (1945 - 1975) và 21 năm kháng chiến chống Mỹ nói riêng (1954 - 1975) đã khẳng định trí tuệ và sức mạnh đoàn kết của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh. Trong đó có vai trò và sự đóng góp vô cùng quan trọng của các vị sư Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

         Trên cơ sở nhận thức đúng, đánh giá khách quan về khả năng cách mạng của các vị sư Phật giáo Nam tông Khmer, từ thành phần nông dân theo đạo Phật, tiến tới giác ngộ giai cấp; Đảng ta đã có một đối sách phù hợp, đưa các vị ấy từ lòng yêu thương dân tộc gắn với lòng yêu nước, yêu giai cấp đi theo Đảng làm cách mạng. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập cũng như suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, Đảng bộ tỉnh Trà Vinh luôn chú trọng tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer, đặc biệt là các vị sư Phật giáo Nam tông Khmer theo Đảng làm cách mạng.

         Trong nhiều cuộc đấu tranh chính trị, các vị sư Phật giáo Nam tông Khmer là lực lượng nòng cốt, vừa đi đầu trong đấu tranh, vừa vận động đồng bào Khmer tham gia đấu tranh, điển hình như: Cuộc đấu tranh nhân ngày lễ Phật đản năm 1957 diễn ra tại chùa Sam Rông Ek (thuộc xã nguyệt Hoá huyện Châu Thành) dưới sự lãnh đạo của Ông Maha Sơn Thông, phần lớn lực lượng tham gia chính là các vị sư các chùa thuộc các huyện Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang, có sự tham gia hỗ trợ của các sư ở các chùa thuộc huyện Tiểu Cần, Cầu Kè và Càng Long (với tổng số gần 70 chùa) đòi dân sinh, dân chủ, chống chính sách tố cộng, diệt cộng, chính sách đồng hoá dân tộc của Mỹ Diệm. Cuộc biểu tình của gần 2 vạn sư sãi vào ngày 13/3/1961 từ các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành kéo về thị xã Trà Vinh. Cuộc đấu tranh của đồng bào và các vị sư ở các chùa Châu Điền, Tam Ngãi, Hoà Ân, Phong Phú (huyện Cầu Kè) đòi thả Sư cả Thạch Som vào cuối tháng 6/1961 và cuộc đấu tranh chống nguỵ quân chiếm đóng chùa Ô Mịch (bằng hình thức tản cư các tượng Phật) kéo dài gần hai tuần lễ (từ ngày 14 đến ngày 17/9/1961). Cuộc đấu tranh của 40.000 sư sãi và đồng bào ở Trà Cú năm 1964. Cuộc đấu tranh của gần 7.000 sư sãi và đồng bào Khmer tại chùa Cos La (xã Ngãi Xuyên, nay là xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú) vào ngày 19-20/2/1975... và rất nhiều cuộc đấu tranh khác có sự tham gia của các vị sư Phật giáo nam Tông Khmer

         Điều đặc biệt quan trọng là Đảng ta đã xây dựng, giác ngộ được nhiều vị sư Phât giáo Nam tông Khmer thoát ly tham gia kháng chiến, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, là cán bộ lãnh đạo của các tổ chức cách mạng, điển hình như:

         Ông Ma ha Thông tên thật là Sơn Thông, sinh ngày 11/02/1910. Năm 1946 tham gia cách mạng trong lực lượng Thanh niên Tiền Phong, năm 1949 là Hội trưởng Hội ủng hộ It sa rắc, năm1960 là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Khu Tây Nam bộ; năm 1965 là Phó Chủ tịch viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Khu Tây Nam bộ. Từ năm 1971 đến năm 1975 là Khu ủy viên Khu Tây Nam bộ, Trưởng ban Khmer vận khu, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh. Sau 30/4/1975, là Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cửu Long, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch danh dự viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh, là đại biểu quốc hội khóa VI và khóa VII.

         Ông  Ma ha Thạch SaBut, sinh năm 1925, năm 10 tuổi vào tu ở chùa Ba Si (xã Phương Thạnh, huyện Càng Long), năm 1953, là thư ký Hội MêKôn; năm 1957, ông hoàn tục và thoát ly đi hoạt động cách mạng tại Ban Khmer vận của tỉnh và được kết nạp vào Đảng. Năm 1960, công tác tại Ban Khmer vận, năm 1968 là Phó ban Khmer vận tỉnh; năm 1970, được bổ sung Tỉnh ủy viên và giữ cương vị Trưởng ban Khmer vận của tỉnh. Hy sinh vào tháng 12/1971, trong một chuyến công tác về huyện Duyên Hải.

Sư cả Thạch Tụm, sinh năm 1907 tại ấp Xoài Thum, xã Ngãi xuyên, huyện Trà Cú. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, sư cả Thạch Tụm hoàn tục và tham gia hoạt động cách mạng, được phân công giữ nhiều chức vụ quan trọng; năm 1951 là Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính huyện Trà Cú; năm 1952 là Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Vĩnh Trà, Sau năm 1975, là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

         Achar Luis Sarat, sinh năm 1928 ở Campuchia và tu học ở Cam puchia. Năm 1954, Achar Luis Sarat về Việt Nam và tu học tại chùa Bãi Xào Chót (xã Ngãi xuyên, huyện Trà Cú0, Ông luôn tích cực tham gia và vận động động các vị sư, đồng bào Khmer tham gia các cuộc đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ; phản đổi chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” Mỹ - Diệm, năm 1958 ông bị nguỵ quyền tỉnh Vĩnh Bình (Trà Vinh) bắt đày đi Côn Đảo, trước sức ép đấu tranh của quần chúng nhân dân, buộc chúng phải thả ông. Khi Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Trà Vinh được thành lập, ông được Tỉnh ủy phân công đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh, năm 1962, nguỵ quyền Vĩnh Bình lại bắt ông một lần nữa và đày đi Côn Đảo, năm 1973 mới được trao trả. Trong thời gian bị giam cầm trong nhà tù của nguỵ quyền Sài Gòn, ông bị tra tấn dã man đến tàn phế, nhưng ông vân giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Achar Luis Sarat từ trần vào ngày 27/9/1998.

         Hoà thượng Sơn Vọng sinh năm 1886 tại ấp Kim Hòa, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang. Năm 1957 được các vị sư Khmer bầu là Mê Kôn tỉnh Trà Vinh, năm 1960 Hoà thượng Sơn Vọng tham gia lãnh đạo đoàn biểu tình gần 40.000 người tiến vào Dinh tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Bình chống bắt lính, chống ném bom vào chùa chiền. Tháng 02/1962, Hoà thượng được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau đó, Hoà thượng được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng bảo vệ hòa bình thế giới miền Nam Việt Nam. Năm 1963, Hoà thượng lâm bệnh nặng và viên tịch vào ngày 05/3/1963 tại chiến khu Cà Mau, thọ 77 tuổi. Hoà thượng được công nhận là liệt sĩ.

         Hòa thượng Thạch Som, sinh ngạy 05/02/1914, tại xã Hoà Ân, huyện Cầu Kè, năm 1947 vào tu học tại chùa Ô Mịch (xã Châu Điền, huyện Cầu Kè). Năm 1957 tham gia cách mạng hoạt động hợp pháp. Tháng 6/1961 bị địch bắt giam, qua đấu tranh của quần chúng ông được thả sau 6 tháng bị giam cầm, năm 1962 là đại diện sư sãi yêu nước huyện Cầu Kè, tháng 8/1963, là đại diện sãi yêu nước Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Trà Vinh, tháng 7/1964 đến 7/1967 Ủ y viên Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng Tây Nam bộ, Hội trưởng Hội sư sãi yêu nước khu Tây Nam Bộ, tháng 10/1968 là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng Tây Nam bộ, Hội trưởng Hội sư sãi yêu nước khu Tây Nam Bộ. Sau giải phóng 30/4/1975 Hoà thượng về trụ trì chùa Ô Mịch và là Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng viên tịch với 91 tuổi đời, 71 tuổi đạo.

         Đại đức Dương Sóc và Đại đức Kim Sum, hy sinh vào ngày 19/2/1975, trong cuộc đấu tranh của các vị sư và đồng bào Khmer tại chùa Sóc Chà xã Ngãi Xuyên (nay là xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú) chống hành vi bắt các vị sư Nam tông Khmer vào lính của nguỵ quân, nguỵ quyền quận Trà Cú.

         Tuy xuất thân là người tu hành, thấm nhuần triết lý từ bi, bác ái của đạo Phật nhưng khi được giác ngộ giai cấp, được trui rèn qua ngọn lửa đấu tranh cách mạng, các vị ấy đã trở thành lực lượng cách mạng trung kiên, hoạt động hết mình vì nước, vì dân; tư tưởng và việc làm của các vị ấy luôn gắn liền với lợi ích của giai cấp và dân tộc, chịu đựng gian khổ, đấu tranh kiên quyết với kẻ thù, thậm chí chịu tù đày, hy sinh bản thân mình. Đồng thời, bằng đức độ và uy tín của mình, các vị ấy đã tuyên truyền, vận động, thuyết phục và lôi cuốn hàng ngàn các vị sư, hàng vạn đồng bào Khmer tích cực tham gia các cuộc đấu tranh chính trị, binh vận, quân sự, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tấm gương sáng của các vị sư Phật giáo Nam tông Khmer chính là niềm tự hào của cán bộ, đảng viên nhân dân tỉnh Trà Vinh nói chung, của cán bộ, đảng viên và chư tăng, đồng bào Khmer nói riêng. Đó là tấm gương về lòng yêu nước, yêu dân tộc, yêu giai cấp; tấm gương về sự sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, về tinh thần đoàn kết các dân tộc; về sự kết hợp tốt phương châm tốt đời đẹp đạo”.

         Qua 48 năm tỉnh nhà được hoàn toàn giải phóng, cùng cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với đường lối đúng đắn của Đảng, đặc biệt là Đảng bộ tỉnh biết phát huy truyền thống “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công”, trong kháng chiến, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tộc mà nòng cốt là khối đoàn kết công nhân - nông dân - trí thức, đoàn kết Kinh - Khmer - Hoa và các dân tộc anh em khác sinh sống trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, đặc biệt là phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, các vị sư Phật giáo Nam Tông Khmer trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; vận động các vị sư và đồng bào Khmer giữ gìn, phát huy nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện - xã hội góp phần cùng chính quyền và Mặt trận Tổ quốc  các cấp thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Trong đó vai trò của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các cấp được phát huy, là trung tâm đoàn kết, tập hợp chư tăng, bà con Phật tử Khmer nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức chung lòng xây dựng quê hương Trà Vinh ngày càng giàu đẹp.

         Chào mừng Chôl Chnam Thmây năm 2023 của đồng bào Khmer (diễn ra vào các ngày 14, 16, 16/4/2023), chào mừng kỷ niệm 48 năm giải phóng Trà Vinh, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Trà Vinh nói chung, cán bộ, đảng viên và chư tăng, đồng bào Khmer nói riêng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của đồng bào, của các vị sư Phật giáo Nam tông Khmer trong cách mạng giải phóng dân tộc và gần 48 năm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện tốt phương châm “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội” và khẩu hiệu “Tốt đời đẹp đạo”, ra sức xây dựng tỉnh Trà Vinh  đạt chuẩn Nông thôn mới trước năm 2025, là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030”./.

Trần Bình Trọng 

Chủ tịch Liên hiệp hội Trà Vinh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 75
  • Trong tuần: 1 149
  • Tất cả: 433639