50 năm Hiệp định Pari: Bài học về nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù từ thực tiễn tỉnh Trà Vinh
Cách đây 50 năm, ngày 27/01/1973, Hiệp định Pa ri (Paris) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết. 

         Hiệp định Pa ri là thắng lợi to lớn của Nhân dân Việt Nam và là thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ. Thất bại lớn nhất của Mỹ là phải chấp nhận rút hết quân viễn chinh Mỹ và quân các nước đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam, phải chấp nhận Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam vẫn ở nguyên vị trí, tức là vẫn duy trì trang thái “da beo” trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Mỹ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của Nhân dân Việt Nam. Hiệp định công nhận về mặt pháp lý “ở miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát”.

         Nhân dân miền Nam vô cùng phấn khởi với thắng lợi của Hiệp định.

         Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến và lật lọng của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn không thay đổi. Trước, trong và sau Hiệp định Paris, Mỹ vẫn không từ bỏ chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, cố giữ miền Nam trong quỹ đạo thực dân mới của Mỹ. Mỹ tiếp tục chi viện về quân sự và kinh tế cho chính quyền Thiệu (cuối năm 1972 đầu năm 1973, Mỹ viện trợ cho Thiệu 100 máy bay, 500 khẩu pháo, 400 xe tăng, xe bọc thép, bổ sung 2 triệu tấn vật tư chiến tranh), xây dựng quân đội Sài Gòn thành một quân đội mạnh nhất ở Đông Nam Á; chúng xây dựng kế hoạch tiếp tục bình định lấn chiếm mở rộng vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn. Kế hoạch bình định lấn chiếm của Thiệu có quy mô bao trùm các mặt kinh tế, quân sự, chính trị nhằm khôi phục kinh tế, củng cố quân đội, chính quyền, hiện đại hóa quân đội Sài Gòn. Kế hoạch gồm ba bước:

         + Bước 1 (từ tháng 3 đến tháng 5/1973): Tập trung bình định, lấn chiếm cho được địa bàn Chương Thiện.

         + Bước 2 (từ tháng 6 đến tháng 9/1973): Bình định lấn chiếm U Minh.

         + Bước 3 (từ tháng 6 đến tháng 9/1973): Bình định vùng nam Cà Mau và củng cố các vùng đã kiểm soát được. Theo tính toán của đối phương thì khả năng kiểm soát đó là khả thi, vì cho đến tháng 12/1972, lực lượng quân đội Sài Gòn ở vùng 4 chiến thuật còn khoảng 196.141 quân, chưa kể quân kìm kẹp ở cơ sở.

         Về thủ đoạn bình định so với trước đây cũng có một số vấn đề mới như:

         - Tập trung bình định trọng điểm từng khu vực. Nội dung bình định trọng điểm thì lấy quân sự làm chính, nơi hòa hoãn thì lấy phong tỏa kinh tế và chiến tranh tâm lý làm chính.

          - Động lực lượng lên từng cấp, xây dựng lực lượng bảo an cơ động, giao cho phòng vệ dân sự và cảnh sát chịu trách nhiệm an ninh phía sau. Tổ chức thành liên đoàn, tiểu đoàn bảo an cơ động trong phạm vi tiểu khu.

         - Lấn chiếm ồ ạt, chiếm nhanh, phá nhanh địa hình, xây dựng đồn bót.

         Thời điểm này, ở một số địa phương của miền Nam, xuất hiện tư tưởng hòa bình, cầu an, không thấy được âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, chấp hành nghiêm Hiệp định, đóng quân tại chỗ, không chống trả âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của đối phương([1]).

         Riêng ở địa bàn Tây Nam bộ, nhận thức được âm mưu xảo quyệt của kẻ thù, Khu ủy, đã căn cứ thực tế tình hình, Khu ủy Khu 9 nhận định: Đồng bằng sông Cửu Long chưa có ngừng bắn, vẫn còn tình trạng chiến tranh. Ngày 02/02/1973, Ban Thường vụ Khu ủy chỉ đạo cho toàn Khu động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy cao độ thắng lợi, đẩy mạnh cao trào chính trị ở cả 3 vùng (rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị) với các khẩu hiệu: Đòi hòa bình - độc lập - dân chủ - cơm áo - hòa hợp dân tộc, đòi thi hành Hiệp định Pa ri; đồng thời đẩy mạnh 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh - địch vận), làm tan rã và suy sụp nặng nguỵ quân, nguỵ quyền, giải phóng nông thôn, giành chính quyền ở cơ sở; ra sức xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, xây dựng căn cứ cách mạng ở vùng giải phóng vững mạnh về mọi mặt, đập tan âm mưu phá hoại Hiệp định của địch, kịp thời ngăn ngừa xung đột lớn, gìn giữ hòa bình thực hiện Tổng tuyển cử theo nội dung của Hiệp định; quyết tâm đưa cách mạng miền Nam tiến lên hoàn thành những mục tiêu cơ bản đề ra, đồng thời luôn nêu cao cảnh giác sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu gây chiến tranh trở lại của đế quốc Mỹ; thực hiện phương châm “kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, võ trang và pháp lý, lấy đấu tranh chính trị làm cơ sở, đấu tranh võ trang làm hậu thuẫn, hết sức phát huy tác dụng pháp lý của Hiệp định”.([2])

         Đúng như nhận định của Khu ủy, tại địa bàn tỉnh Trà Vinh, trong ngày ký kết Hiệp định Pa ri, địch dùng toàn bộ lực lượng thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, cắm cờ giành dân, lấn đất. Nhằm bẻ gảy ý đồ của địch, buộc chúng phải bị động đối phó, Ban Chỉ chỉ huy Tỉnh đội tập trung lực lượng tiểu đoàn 501, tiểu đoàn 509 bộ đội tỉnh tiến công Phân chi khu Tập Ngãi rồi trụ lại, kết hợp với du kích bao vây bức rút đồng bót địch liên tiếp 3 ngày đêm. Địch tập trung 5 tiểu đoàn bảo an và không quân, pháo binh chi viện giải tỏa. Trận chiến diễn ra ác liệt. Kết quả ta đánh thiệt hại nặng Phân chi khu Tập Ngãi, bức rút 1 đồn ở Ngã Tư Nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch.

Trong các ngày 27 và 28/01/1973, tại Mỹ Long (Cầu Ngang), địch đưa một đại đội bảo an bung ra cắm cờ, giành đất, 20 du kích xã đã kiên cường chiến đấu giữ đất và 16 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Cũng trong ngày này ở Hàm Giang, có một du kích xã vào trong hàng rào bót kêu gọi binh sĩ nguỵ trong đồng về hào hợp với Nhân dân, bị chúng bắn chết; tại ấp Là Ca, xã Nhị Trường (huyện Cầu Ngang), đơn vị 507 kết hợp với du kích tập trung đánh tiêu hao 1 tiểu đoàn Bảo an tỉnh và đánh bộc phá tự động hư 1 xe nồi đồng. Tại ấp Sóc Chuối, xã Ngũ Lạc vào buổi sáng, du kích đánh tiêu hao và đẩy lùi Tổng đoàn và dân vệ Ngũ Lạc; đến 15 giờ địch đưa Đại đội Bảo an quận Long Toàn đến hỗ trợ, đánh chiếm lại ấp. Ở ấp Trà Khúp, xã Ngũ Lạc, đội bảo vệ Huyện ủy, du kích ấp 15, xã Long Hữu và cán bộ chính trị đứng chân, địch tập trung bao vây và phát hiện hầm bí mật làm ta hy sinh 7 đồng chí, trong đó có đồng chí Ủy viên Ban an ninh huyện.

Trong tháng 02/1973, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều trận đánh địch, quân ta thu được nhiều thắng lợi to lớn, như: tiểu đoàn 509 kết hợp với lực lượng địa phương quân hai huyện Trà Cú, Cầu Ngang và du kích hai xã Long Hiệp (Trà Cú) và Ngũ Lạc (huyện Cầu Ngang) liên tiếp tiêu diệt 7 đồn địch, làm thiệt hại nặng đại đội bảo an 395, thu được gần 100 khẩu súng các loại. Đồng thời, trên địa bàn huyện Tiểu Cần, Trung đoàn 3 bộ đội chủ lực Quân khu 9 phối hợp với tiểu đoàn 501 bộ đội tỉnh Trà Vinh cùng với lực lượng địa phương quân hai huyện Trà Cú, Tiểu Cần và du kích các xã tiêu diệt nhiều đồn bót địch, giải phóng 7 ấp thuộc xã Hùng Hoà và Tân Hoà (huyện Tiểu Cần).

Cuối quý I/1973, trên khắp địa bàn tỉnh Trà Vinh, các lực lượng của địch tiếp tục gia tăng các hoạt động với nhiều thủ đoạn mới như chiến thuật trực thăng vận, cặm quân, bủa lưới, phóng lao,v.v…nhằm lấn đất, giành dân, xoá thế da beo,v.v…

Tỉnh uỷ Trà Vinh trên cơ sở những thắng lợi mới giành được, kiên trì chỉ đạo cho toàn Đảng bộ và lực lượng vũ trang nhân dân và đồng bào các dân tộc trong tỉnh đè cao cảnh giác, tiếp tục dựa vào cơ sở pháp lý của Hiệp định để tấn công địch.

Có thể thấy rằng, bằng việc đánh giá đúng bản chất hiếu chiến, xảo quyệt của kẻ thù, nắm chắc tình hình, nâng cao ý thức cảnh giác cho Đảng bộ, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đồng thời quán triệt chủ trương, biện pháp đối phó đúng đắn, kịp thời của Khu uỷ, nên ngay khi Hiệp định Pari được ký kết, Đảng bộ và quân, dân Trà Vinh chủ động đối phó, tập trung tiến công chặn đứng các hoạt động lấn chiếm của địch, giữ vững các cơ sở cách mạng, mở rộng vùng giải phóng, v.v… tạo đà cho thắng lợi trong năm 1973, 1974 và giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30/4/1975, giải phóng tỉnh nhà vào lúc 11 giờ 30 phút, cùng lúc với giải phóng Sài Gòn.

Mặc dù thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhưng các thế lực thù địch ở Mỹ và một số nước phương Tây trong những năm qua tiếp tục chống phá cách mạng Việt Nam từ việc bao vây, cấm vận, tài trợ cho các tổ chức phản động của người Việt lưu vong ở nước ngoài, đến việc tìm cách xâm nhập, tác động, đẩy mạnh các hoạt động với mục tiêu cuối cùng là xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, với các thủ đoạn:

Thứ nhất, bóp méo, phủ nhận những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã lạc hậu, lỗi thời không còn phù hợp với hiện nay nữa và cho rằng việc lấy tư tưởng, lý luận đã “lạc hậu, lỗi thời” thì không thể có cơ sở để lãnh đạo đất nước phát triển. Qua đó, làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân hoang man, dao động, nghi ngờ đi đến từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ hai, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trên tất cả các lĩnh vực mặc dù đúng đắn và sáng tạo: từ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về vai trò lãnh đạo của Đảng, về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hay các chính sách đối ngoại, an ninh - quốc phòng… nhưng đều bị chúng âm mưu xuyên tạc, bóp méo với mục đích hạ thấp uy tín, kích động, làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, giảm niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ ba, đẩy mạnh sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội. Chúng tăng cường xâm nhập về văn hóa, đạo đức, lối sống, tập trung tấn công vào nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bằng cách làm phai mờ những giá trị văn hóa truyền thống cách mạng của chúng ta, kết hợp với việc gieo rắc những sản phẩm văn hóa phản động, đồi truỵ tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Thứ tư, lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo…, những vấn đề do lịch sử để lại, những “điểm nóng” về an ninh, về trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, xoáy sâu vào những hạn chế, thiếu sót của ta trong việc thực hiện chính sách dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo…để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, kích động đồng bào tham gia các cuộc biểu tình, bạo loạn chống đối chính quyền, gây thiệt hại về kinh tế, mất ổn định về chính trị - xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm hại đến an ninh quốc gia.

Thứ năm, xuyên tạc đời tư, bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ và các anh hùng dân tộc. Chúng đã bịa đặt, dàn dựng lên những câu chuyện sai sự thật, đưa lên những hình ảnh đã được cắt xén để nhào nặn ra những nội dung sai trái, bịa đặt có liên quan đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong đấu tranh giải phóng dân tộc; đặc biệt là thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chúng dựng chuyện, thổi phồng những sai lầm, thiếu sót của một số cán bộ, đảng viên, qua đó gây hoang mang, tạo bức xúc trong dư luận xã hội, kích động người dân gây mất an ninh, trật tự... hòng hạ bệ uy tín của cán bộ, phá vỡ khối đoàn kết trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội, chia rẽ Đảng với Nhân dân.

Thứ sáu, âm mưu, thủ đoạn phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Chúng phủ định vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với lực lượng vũ trang, xuyên tạc, bóp méo bản chất chính trị của lực lượng vũ trang, yêu cầu lực lượng vũ trang “đứng ngoài chính trị”, “không cần đặt dưới sự lãnh đạo của một đảng phái nào”; phá hoại nền tảng tư tưởng, làm suy giảm lòng tin, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân; làm cho cán bộ, chiến sĩ sa sút về niềm tin và ý chí chiến đấu, ngại khó, ngại khổ, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao, làm rệu rã sức mạnh chiến đấu của đơn vị nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung.

Rõ ràng những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta là hết sức tinh vi, thâm độc và phức tạp. Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân phải luôn đề cao ý thức cảnh giác, không ngừng học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, sức đề kháng” trước những tư tưởng sai trái, lệch lạc, không để mình bị suy thoài về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Từ đó, có“kỹ năng”nhận diện đúng kẻ thù và bóc trần những âm mưu thủ đoạn sai trái; kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; ra sức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bài học về nâng cao ý thức cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn kẻ thù, đặc biệt qua thực tiễn đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân Trà Vinh nói riêng, cả nước nói chung qua thực tiễn thi hành Hiệp Định Pa ri năm 1973 của 50 năm trước vẫn luôn có giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Ngày nay, trong quan hệ đối ngoại, có những kẻ thù trước đây nay là đối tác toàn diện hay đối tác chiến lược của chúng ta. Nhưng mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần quán triệt quan điểm: Trong mỗi đối tượng có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”. Từ đó, ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI trên lĩnh vực an  ninh - quốc phòng:“Nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động nắm tình hình, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phòng, chống khủng bố; giải quyết kịp thời, có hiệu quả, đúng pháp luật các vấn đề, vụ việc phức tạp xảy ra, không để các thế lực thù địch, đối tượng xấu lợi dụng kích động, xúi giục tụ tập đông người gây bất ổn về an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; không để hình thành, công khai tổ chức chính trị đối lập trên địa bàn([3])



[1] Dẫn nguồn tư liệu từ Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến tập 3 (1969 - 1754); Nxb Chính trị quốc gia; Hà Nội năm 2010; trang 147 - 152.

[2] Dẫn nguồn tư liệu từ Lịch sử tỉnh Trà Vinh tập 3.

[3] Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025; trang 189, 190

Trần Bình Trọng

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 43
  • Trong tuần: 1 117
  • Tất cả: 433607