Nỗi niềm chợ quê ngày Tết
Mùa Xuân là những nỗi nhớ nhung. Nhớ hoa đào bừng nở, đón xuân khoe sắc hồng tươi. Nhớ hoa mai điểm nở đất trời vào xuân.Đặc biệt trong tôi có lẽ nỗi nhớ nhiều nhất là những hình ảnh về chợ quê ngày Tết. 

         Tết quê trong ký ức của tôi là một cái gì đó lung linh, thân thương và sâu lắng lạ kỳ. Nhớ tết năm nào khi tôi vẫn còn bé dại, cứ mỗi dịp Tết về lại lẽo đẻo theo mẹ đi chợ tết cho bằng được.

         Những ngày thường, người dân quê tôi chân lấm tay bùn, khuya sớm tảo tần chăm bón từng gốc lúa, từng luống rau khoai, rau muống, đêm đến chèo xuồng xuôi ngược trên dòng sông, trên những cánh đồng bắt từng con tôm, con cá. Thức ăn ít, nhưng dè xẻn, để dành, phần nhiều mang ra chợ đổi lấy ít dầu, nước mắm, ruốc…Cuộc sống đạm bạc. Nghĩa tình lặng lẽ trôi qua những kiếp người cần mẫn, chẳng kêu ca than trách.

         Bây giờ vào mùa Xuân. Ngày giáp Tết chợ quê đông đúc. Người mua kẻ bán chen vai. Vào buổi họp chợ Tết, từ gà gáy, người người trong vùng đã í ới gọi nhau đi chợ, từng tốp người vừa đi, vừa cười nói râm ran. Từ nữa đêm các mẹ,các chị đã tranh thủ dậy sớm, vài bó rau tươi, mấy cân ớt, gừng, mấy mớ rau mùi thơm hay những mớ trầu, nải chuối buồng cau… vội vã gánh gồng, kiếm ít đồ dùng ba ngày tết…

         Chợ quê ngày Tết đi đến đâu cũng gặp người hàng xóm, người quen. Tiếng chào nhau, nói chuyện rôn rả, chuyện mùa màng, chuyện sắm Tết …Các chàng trai, cô gái nông thôn cứ xúng xính, thẹn thùng mua vài bộ quần áo mới hay đùn đẩy nhau trước hàng mỹ phẩm đắt tiền.

         Những ngày chợ Tết rất đông người, mà phải chen chúc nhau thì mới vui, thích. Đến chợ Tết, người mua cũng cố mua, người bán cũng cố bán cho bằng được. Người mua dù có những mặt hàng đắt nhưng vừa ý thì giá có đắt cũng chẳng mấy người than phiền, vì là chợ Tết, để miển sao mua cho được những thứ đẹp, vừa ý để về trang hoàng nhà cửa, về cúng gia tiên …đem lại may mắn, hạnh phúc cho gia đình trong cả năm. Còn người bán cũng rất xởi lởi, không tính đến chuyện đắt rẽ, vì chủ yếu là người cùng địa phương với nhau, hơn nữa cũng mong bán  hết hàng cho có lộc đầu năm.

         Đi chợ Tết là thú vui ở nông thôn, cho nên đến chợ cũng chưa hẳn là để mua sắm, mà còn để đi chơi, đi cảm nhận không khí Tết hoặc đôi khi chỉ là để gặp gỡ người quen, để hỏi han, để chào nhau đôi ba câu. Riêng đối với với trẻ con, lúc này đã nghỉ học, được cha mẹ, người thân đưa đi chợ rất vui sướng và háo hức, có khi cả đêm ngủ chẳng say, vì sợ khi thức dậy, anh chị em trong nhà trốn đi chợ trước. Trẻ con đến chợ, thấy mặt hàng nào cũng vào xem, mà thứ gì cũng thích. Nhưng thích nhất là các hàng đồ chơi đủ các loại màu sắc, âm thanh sống động.

         Chợ quê ngày Tết là hổn hợp các loại âm thanh rộn rã, đó là âm thanh của các loại gia súc, gia cầm, âm thanh của những tiếng rao, tiếng trò chuyện, cười nói râm ran của người lớn trẻ con…vang khắp chợ. Chợ Tết còn là sự hòa quyện giữa các mùi hương, tạo nên hương vị rất riêng, đó là hương trầm lan tỏa trong không khí với mùi hương thơm nồng đặc sắc, như mùi của ngàn đời tích lại.

         Chợ ngày Tết có thêm gánh hàng hoa, dăm hàng bánh mứt, vài bức tranh,  lịch xuân, câu đối in sẵn, những “chú tò he”  ấm áp và rạo rực bởi màu sắc của Tết.

         Ngày Tết, hàng thịt lợn càng không thể thiếu, các bà, các mẹ..nách thúng, xách giõ xuống xòe mấy đồng bạc nhàu nát ra mua vài kí lá dong, mấy cân gạo nếp, ít thịt bạc nhạc, gói mứt gia công…

         Quê tôi thuộc vùng trũng năm bên dòng sông Ô Lâu, và những cánh đồng bao la bát ngát, nên chợ quê ngày Tết cũng không thể thiếu những mớ cá sông, cá đồng còn tươi ròng, như cá tràu, trê, rô phi, lươn…từ ngày 23 tháng Chạp nhà nhà đều lo sửa soạn chuẩn bị chế biến vài niêu cá kho để ăn Tết.

         Đi chợ Tết ngang qua cánh đồng làng ta thỏa thích ngắm mùa lúa Đông Xuân đang độ thì con gái, đất đai và con người thì thật thảnh thơi để rau xanh đâm chồi nảy lá, những chú trâu nằm thong thả nhai rơm mới sau một năm dài làm lụng vất vả cùng người nông dân.

         Từ bao đời, chợ tết quê một không gian sinh động và đã gắn bó với tôi và người dân quê tôi. Nét văn hóa thiêng liêng đó đã đi vào lòng người bởi nó là một nét chấm phá tiêu biểu hòa vào đời sống mang tính đậm đà bản sắc dân tộc.

         Tuy đã đi nhiều nơi, đến nhiều chợ nhưng tôi vẫn thích ngắm chợ Tết ở quê mình.  Bây giờ, chợ Tết vẫn không khí, vẫn rộn rã, sự đổi thay đã hiển hiện ra trên khuôn mặt, trong cái quang gánh sắm hàng Tết, trong những lời mặc cả, rồi những bộ quần áo mới của bọn trẻ, của các chị, các mẹ…đã thấy phần nào dáng dấp của sự đổi thay, kinh tế của một vùng nông thôn đã mạnh lên khá nhiều.

         Không biết đã mấy ngàn lần tôi nghe, người ta kể chuyện “chợ quê ngày Tết” mà vẫn chả lúc nào thấy cũ.  Tôi ít thấy ai kể chuyện lên thành phố ăn tết. Phải chăng, chỉ thấy những người từ thành phố về quê ăn Tết thôi. Dù là người thành phố về ăn Tết quê có đi chợ hay không thì chợ quê vẫn họp, vẫn cứ đông, vẫn cứ chộn rộn, háo hức, trong cái thời khắc giao mùa cuối năm.

         Ai có dịp về quê ăn Tết nhớ ghé qua chợ. Đến nơi đó, không chỉ tìm thấy sự đổi thay của đời sống nhân dân, thấy được sự tấp nập mà còn tìm thấy được một chút xúc cảm từ đời sống thôn dã, thấy được phần nào cái hồn quê đích thực./.

Tác giả: NGUYỄN VĂN THANH

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 4
  • Trong tuần: 814
  • Tất cả: 434246