Những giá trị cốt lõi hình thành nhân cách người thanh niên Phan Văn Hòa - Võ Văn Kiệt
Vĩnh Long vùng đất được mệnh danh là “vùng đất học”, vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi đã sản sinh ra những người con ưu tú cho đất nước. Từ mảnh đất này, thế hệ nối tiếp thế hệ đã phát huy truyền thống, làm rạng danh quê hương, đất nước. 

         Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một người cộng sản kiên trung, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long. Cuộc đời của đồng chí là một biểu tượng sáng ngời về nhân cách, tài năng và trí tuệ. Đó là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của quê hương, dòng họ và gia đình.

         Truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương; giá trị nhân văn của dòng họ gia đình đã đã góp phần hun đúc nên tình yêu quê hương đất nước; phẩm chất cao đẹp của con người đồng chí Võ Văn Kiệt.

         Ở xã Trung Hiệp - nơi Phan Văn Hòa (Võ Văn Kiệt) được sinh ra và lớn lên, xưa kia là làng Trung Hiệp được thành lập từ thời vua Minh Mạng, người dân nơi đây đa số là dân tứ phương từ miền Trung vào. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân xã Trung Hiệp một lòng yêu nước, khẳng định quyết tâm không hề tiếc xương máu, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nói về lịch sử vùng đất này, ông Nguyễn Văn Mẹo (1915-2010), một người cố cựu ở xã Trung Hiệp, cũng là người dạy chữ đầu tiên cho Phan Văn Hòa kể lại rằng: Bà con trong xóm thương nhau lắm, cả xóm đều không dư dả, nghèo tiền bạc nhưng giàu lòng từ tâm, thiện ý, sẵn sàng giúp nhau không so đo tính toán. Dù ở vùng sâu, vùng xa, việc đi lại khó khăn nhưng người dân rất quan tâm tới việc học hành của con em. Bà con bàn với nhau rước thầy về dạy tại xóm để các em tiện tới học sau mùa vụ. Ngoài việc học ở trường, các bậc cha mẹ còn dạy dỗ con cái từ miếng ăn, lời nói “học ăn, học nói, học gói, học mở”… Ở mỗi làng người dân còn gom góp để xây dựng các ngôi đình làm nơi họp mặt, thờ cúng các vị thần linh, các bậc tiền nhân. Ngôi đình cổ ở làng Bình Phụng, xã Trung Hiệp được hình thành và tồn tại đến ngày nay là một minh chứng. Hàng năm, vào dịp cúng đình các cụ bô lão có uy tín đứng ra khuyên nhủ bà con đoàn kết, làm lành, lánh dữ, noi theo những tấm gương tốt đẹp cha ông; ở đó các cháu nhỏ còn được răn dạy vừa được vui chơi, ca hát... Cậu bé Phan Văn Hòa từ nhỏ may mắn vì được nuôi dưỡng tâm hồn trong môi trường như thế. Đây cũng là môi trường xã hội lý tưởng để góp phần tạo nên một cốt cách con người sống có ý chí, nghị lực, hiểu được đường ngay, lẽ phải, biết đoàn kết, yêu thương, nghĩa tình,…của Phan Văn Hòa và là Võ Văn Kiệt về sau.

         Dòng họ Phan Văn Hòa là chị họ Phan di cư từ miền Trung vào Nam kỳ định cư (tính đến đời Phan Văn Hòa là đời thứ tư). Đất Cái Bè (Tiền Giang) là nơi định cư đầu tiên của ông Phan Văn Bình (ông nội của Phan Văn Hòa), với nghề đánh bắt thủy hải sản quanh năm “hạ bạc”, cuộc sống nhiều gian khó, hiểm nguy. Khi thực dân Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ (1862), ông Phan Văn Bình và bà Nguyễn Thị Thuận (bà nội của Phan Văn Hòa) đưa cả gia đình lánh về sống ở Vĩnh Trị (Vũng Liêm). Khi quân Pháp đánh chiếm Vĩnh Long, ông Phan Văn Bình tham gia lực lượng của nghĩa quân Lê Cẩn, Nguyễn Giao chống Pháp ở vùng An Điền, Láng Thé, cùng dân binh xây dựng địa đạo, ụ chiến đấu, đào hào chống Pháp dọc bờ sông Cổ Chiên và vàm sông Vĩnh Trị (Vũng Liêm). Sau chiến trận Cầu Vông 1872, đốc binh Lê Cẩn hy sinh, Nguyễn Giao tiếp tục dây binh kế nghiệp, chiến đấu ròng rã suốt 10 năm gian khổ. Trong một trận chiến tại vàm Vũng Liêm, Nguyễn Giao anh dũng hy sinh, từ đó lực lượng nghĩa quân dần tan rã, ông Bình trở về với nghề làm mướn nuôi gia đình.

         Ông Phan Văn Bình và bà Nguyễn Thị Thuận sinh được bảy người con. Ông Phan Văn Dựa (thân phụ của Phan Văn Hòa) là người con thứ tư, kết hôn với và Võ Thị Quế sinh được 8 người con (6 trai, 2 gái). Cuộc sống làm thuê làm mướn bao đời lam lũ quanh năm, họ chỉ ao ước vào một tương lai sau này con cái có cuộc sống đỡ vất vả, no đủ hơn, vì vậy khi chọn đặt tên cho các con ông bà đã chọn các tên như: An, Đầy, Tràng, Huệ, Diệu, Thực, Phẩm, Đủ. Tên Đủ dự kiến đặt tên cho người con Út nhưng do trùng tên với một người lớn tuổi trong xóm nên cha mẹ đổi tên Hòa (tức Phan Văn Hòa- Võ Văn Kiệt sau này).

         Thân phụ - ông Phan Văn Dựa tuy là người không biết chữ, cả đời cực nhọc làm thuê, làm mướn để nuôi con, nhưng ông tính tình khẳng khái, trượng nghĩa. Dù gia cảnh khốn khó nhưng ông đã cùng vợ quyết định cưu mang đứa con nuôi Đoàn Văn Phát (Mười Đương hoặc Mười Phát) và yêu thương như con ruột. Khi Chín Hòa (Phan Văn Hòa) còn nhỏ là đứa trẻ rất hiếu động, mến mộ người có nghề võ. Có người trong nhà không đồng tình nói rằng, học võ chỉ để đánh nhau, nhưng ông Phan Văn Dựa là người khuyến khích Phan Văn Hòa học võ để rèn luyện sức khỏe, phòng vệ bản thân, bảo vệ người yếu. Theo hồi ký đồng chí Võ Văn Kiệt: năm 1940, sau cuộc dấy binh “đêm cộng dậy” 23/11/1940 (Nam kỳ khởi nghĩa), lính quận ra lệnh đốt hết ấp Bình Phụng, bà con rất hoang mang, anh trai ông bị buộc phải đi lùng bắt đứa em làm loạn. Một tối Chín Hòa về nhà, ba ông không nói gì chỉ lặng lẽ đi mài lưỡi mác, trao cho ông và nói: “Mày cầm cái mác này, đứa nào bắt thì cứ đâm cho tao”. Câu nói của ông Phan Văn Dựa trong hoàn cảnh hiểm nguy, khốc liệt đó đã không những cho thấy sự ủng hộ tuyệt đối của người cha khi biết con dấn thân vì nghĩa lớn, mà còn thể hiện được lối suy nghĩ, nhận thức của ông – một người nông dân giàu lòng yêu nước.

         Thân mẫu - bà Võ Thị Quế, là người phụ nữ nhân hậu, tảo tần, giàu đức hy sinh và sự nhạy cảm, tinh tế của một người mẹ. Những lời tâm sự như trăn chối của  mẹ dành cho ông trước lúc lâm chung giúp Chín Hòa nhận ra ở mẹ mình một tình cảm bao la, sâu kín dành cho đứa con Út làm cho Chín Hòa thêm day dứt và yêu thương mẹ nhiều hơn. Khi cần đặt tên mới để hoạt động, Chín Hòa lấy họ Võ của mẹ, và tên Võ Văn Kiệt từ đó đã được dùng như tên chính thức của ông. Dù không sống cùng bà trong một mái nhà nhưng Chín Hòa luôn dành cho mẹ niềm thương yêu, kính trọng vô hạn và sẽ mãi đi theo suốt cuộc đời của mình.

         Ông Phan Văn Chi – cha nuôi Chín Hòa là người nông dân chân chất, hiền lành, giàu lòng nhân ái và nghĩa hiệp. Dù cuộc sống ông còn nghèo hơn cả gia đình ông Dựa nhưng phần vì thương gia đình ông Dựa vất vả, đông con, phần lo nghĩ tới tuổi già nên xin Chín Hòa về nuôi. Sống cảnh gà trống nuôi con nhưng ông chăm sóc Chín Hòa chu đáo. Ông cõng Chín Hòa đi khắp xóm để xin “bú thép”, nay ở đầu ấp, mai ở cuối ấp. Chính tình thương bao la của ông, cùng những giọt sữa ấm nặng tình người của các bà mẹ ấp Bình Phụng đã nuôi dưỡng Chín Hòa trong những ngày cơ nhỡ khốn khó. Những năm 1938, Chín Hòa khi ấy mới bắt đầu tham gia các hoạt động cách mạng, đã thú thật với cha nuôi “Xin cha cho con đi làm cách mạng”. Ông lặng thinh hồi lâu mới nói: “Con đi cha không cản,…”.  Có thể hiểu được sự những giây phút “lặng thinh” của người cha trong bối cảnh lúc bấy giờ trước sự lựa chọn của Chín Hòa, nhưng bằng tình thương con, vì lý tưởng cao đẹp của con, ông đã nhận lời, giữ bí mật, âm thầm chở che con cho đến phút cuối cuộc đời mình.  

         Phan Văn Hòa đã được sinh ra trong hào khí kiên cường, bất khuất của quê hương, được dưỡng nuôi trong truyền thống tốt đẹp của gia đình, thừa hưởng những đạo lý, đức độ của ông, của hai người cha, người mẹ tảo tần, nhân hậu,…tất cả như đã ngấm vào máu, như đã có sẵn những tinh anh của khí trời Nam Bộ về sự phóng khoáng, tự do, tinh thần trượng nghĩa, nuôi dưỡng mầm mống lòng yêu nước thương nòi vô hạn trong con người Phan Văn Hòa và những khát khao cháy bỏng về một cuộc sống, xã hội tốt đẹp. Đồng thời, tuổi thơ cơ cực, lam lũ, sống xa người thân, sớm vào đời để bươn chải nuôi thân cũng như phụ giúp gia đình, môi trường đó giúp cho cậu thanh niên Phan Văn Hòa rèn luyện được một ý chí nghị lực phi thường. Khi đã có nghị lực thì người ta luôn biết khắc phục hoàn cảnh khó khăn bằng cách tự lao động, tự mưu sinh, tự mở ra cho mình một hướng đi mới. Đối với cậu thanh niên Phan Văn Hòa khó khăn sẽ cho thêm kinh nghiệm, nghịch cảnh sẽ là môi trường để rèn luyện bản lĩnh, là tiền đề quan trọng từng bước dấn thân theo con đường cách mạng đầy chông gai và thử thách phía trước. Chính vì vậy khi được tuyên truyền, giác ngộ, đồng chí tự nguyện và tích cực tham gia các phong trào yêu nước ở địa phương. Từ một thanh niên sớm giác ngộ cách mạng rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam khi chưa tròn 20 tuổi, đồng chí cùng sát cánh bên các anh em đồng chí của mình đứng trên lập trường giai cấp vô sản đấu tranh chống đế quốc xâm lược, đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và giải phóng cho giai cấp, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, hiến dâng cả thanh xuân và cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và vì hạnh phúc của Nhân dân.

         Trong mỗi nhiệm vụ, trên mỗi chặng đường đấu tranh cũng như trong xây dựng đất nước “viên ngọc Võ Văn Kiệt” càng ngày, càng được tôi luyện và tỏa sáng rực rỡ. Tên ông gắn liền với tên nhiều công trình vĩ đại của đất nước mà chắc chắn sau này con cháu ngàn đời vẫn còn nhắc đến.

         Với 86 tuổi đời, gần 70 năm tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú, cuộc đời đồng chí là bản hùng ca bất tử, biểu tượng sáng ngời về nhân cách, tài năng và trí tuệ Việt Nam. Đó là sự kết tinh những truyền thống quý báu của quê hương, của dòng họ và gia đình đồng chí Võ Văn Kiệt./.

Kiều Diễm

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 84
  • Trong tuần: 896
  • Tất cả: 434131