Kinh tế tri thức và việc tăng cường vận động, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh
Khoảng ba thế kỷ trước, cuộc cách mạng công nghiệp đã cải tạo nền kinh tế nông nghiệp, đã xây dựng nền kinh tế công nghiệp. Ngày nay, nền sản xuất dựa trên những thành tựu của khoa học - kỹ thuật và công nghệ cao đang cải tạo và xây dựng một nền kinh tế mới dựa vào trí thức. 

Ảnh: Báo Trà Vinh

         Do nền kinh tế mới đang giai đoạn hình thành, nên tùy theo cách nhìn nhận các yếu tố cấu thành, mục đích và cách tiếp cận, người ta có thể dùng nhiều tên gọi khác nhau cho giai đoạn này như: Kinh tế thông tin, kinh tế mạng, kinh tế tri thức, kinh tế số,v, v…Kinh tế tri thức được dùng khá phổ biến, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế quốc tế (OECD) chính thức dùng từ năm 1995. Ngân hàng thế giới (WB) xây dựng chỉ số kinh tế tri thức nhằm đo lường khả năng một nền kinh tế có thể sáng tạo, vận dụng và truyền bá tri thức. Về mặt phương pháp luận, chỉ số này là bình quân giản đơn của của điểm đánh giá đã chuẩn hóa của một nước theo bốn trụ cột của nền kinh tế tri thức, đó là: Thể chế kinh tế; hệ thống đổi mới công nghệ; giáo dục và nguồn nhân lực; và hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)([1]). Ở nước ta, kinh tế tri thức được sử dụng chính thức trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng:“Phát triển mạnh khoa học công nghệ làm làm động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức”([2])“Phát triển kinh tế tri thức trên cơ sở phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ([3]). Văn kiện Đại hội XII tiếp tục xác định: “Phát triển kinh tế tri thức, phát triển kinh tế xanh”([4]).

          Có thể hiểu kinh tế tri thức trên ba khía cạnh sau:

          Một là, khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là yếu tố quyết định nhất trong việc sản xuất ra của cải, tạo ra sức cạnh tranh và trở thành 

động lực phát triển. Nói cách khác, khoa học công nghệ là lực lượng sản xuất thứ nhất.

          Hai là, tri thức là chỗ dựa chủ yếu của nền kinh tế tri thức là nhân tố hàng đầu của sản xuất, vượt lên trên các nhân tố cổ truyền là vốn và lao động. Tri thức xâm nhập vào và chi phối tất cả hoạt động kinh tế.

          Ba là, trong nền kinh tế tri thức, các ngành kinh tế tri thức chiếm đa số và giữ vai trò chủ đạo. Được gọi là nền kinh tế tri thức dựa trên 4 tiêu chí cơ bản: có 70% GDP là do sản xuất và ứng dụng công nghệ cao mang lại; trên 70% giá trị gia tăng là do lao động trí óc mang lại; trên 70% lao động là công nhân trí thức; 70% tư bản là là tư bản về con người (giá trị mang lại…).

          Trong nền kinh tế tri thức, vai trò động lực của tri thức, của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội ngày càng trở nên rõ ràng, nổi bật. Trước kia, người ta thường coi các yếu tố của sản xuất chỉ bao gồm lao động và vốn, còn giáo dục, trị thức, công nghệ…là các yếu tố bên ngoài của sản xuất, có ảnh hưởng tới sản xuất. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã làm thay đổi một cách cơ bản cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, cơ cấu sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, khoa học không những tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất bằng việc tạo ra công nghệ, tạo ra phương pháp tổ chức quản lý sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất, đổi mới sản phẩm mà còn có thể trực tiếp làm ra sản phẩm (như sản xuất ra các phần mềm, các ngành công nghiệp công nghệ cao). Khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Kinh tế tri thức có những đặc điểm sau:

         Một là, trong nền kinh tế tri thức sự biến đổi sâu sắc và nhanh chóng về cơ cấu kinh tế, đặc biệt là về tổ chức và phương thức hoạt động

         Hai là, sự sáng tạo và thường xuyên đổi mới công nghệ là động lực chủ yếu nhất thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội

         Ba là, trong nền kinh tế tri thức, tri thức khoa học-công nghệ cùng với lao động kỹ năng cao là lực lượng sản xuất thứ nhất, là động lực quan trọng nhất, là lợi thế phát triển lớn nhất, quyết định nhất.

         Trí thức là người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Trong mọi thời đại, trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt, sáng tạo và truyền bá trí thức. Lịch sử phát triển của thế giới đã chứng minh bất cứ một quốc gia, dân tộc nào muốn phát triển nhanh và bền vững thì vai trò của nguồn nhân lực trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò hết sức quan trọng mang tính quyết định. Từ xa xưa ông cha ta đã có ý thức “Phi trí bất hưng”, luôn coi trọng người trí thức, nhiều lúc trí thức đã được đặt ở vị trí hàng đầu “nhất sĩ, nhì nông”, “sĩ, nông, công, thương”. Năm 1484, Thân Nhân Trung đã viết trên bia Tiến sĩ ở Quốc Tử Giám “Hiền tài là nguyên khí quốc gia,...”. Chủ tịch Hồ Chí minh đã rất coi trọng phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng trí thức, Người đã viết “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần có nhân tài”.

         Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta ngày càng quan tâm đến xây dựng đội ngũ trí thức, cũng như đánh giá cao vai trò của đội ngũ trí thức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X)([1]) nêu: “...cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học-công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển”. Gần đây, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo, đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”([2]) và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Xây dựng đội ngũ trí thức, báo chí, văn nghệ sĩ ngày càng lớn mạnh, phát  huy vai trò của trí thức, báo chí, văn nghệ sĩ trong hoạt động sáng tạo khoa học - kỹ thuật, sáng tác các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật; thực hiện chức năng, nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám định xã hội…đóng góp công sức, trí tuệ vào sự phát triển của tỉnh([3]).

         Trước những yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế tri thức, đội ngũ trí thức đóng vai trò động lực, đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ ở nhiều lĩnh vực. Từ đó cần tăng cường công tác vận động trí thức, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, cần chú trọng các nhiệm vụ và giải pháp sau:

         Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, mọi cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức trong phát triển kinh tế tri thức gắn phát triển kinh tế xanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc định kỳ tổ chức các cuộc tiếp xúc, làm việc với trí thức để lắng nghe ý kiến, đối thoại với trí thức về những vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng của địa phương, đơn vị; những tâm tư, nguyện vọng của trí thức. Tạo môi trường làm việc thực sự phát huy dân chủ và khuyến khích trí thức tự do sáng tạo trong nghiên cứu, sáng tác, trong triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ... 

         Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh: Tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư (khóa XII) “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tăng cường lãnh đạo và tạo điều kiện cho Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động. Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh  phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2021 -2030 tầm nhìn đến năm 2050; chú trọng đến những ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh; quan tâm phát triển đội ngũ trí thức người dân tộc Khmer, trí thức nữ, trí thức trẻ. quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ trí thức lãnh đạo, quản lý giỏi; đội ngũ trí thức đầu ngành trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, văn nghệ; đội ngũ trí thức doanh nhân và trí thức trong lực lượng vũ trang.

         Ba là, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng trí thức: Xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, nhất là nhóm nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có tâm huyết với địa phương, có đủ năng lực nghiên cứu, chuyển giao và đề xuất những giải pháp khoa học, công nghệ phù hợp với đặc điểm của tỉnh trong xu hướng phát triển kinh tế tri thức. Triển khai thực hiện việc đưa cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên có đạo đức, triển vọng đi đào tạo ở nước ngoài theo Kết luận số 39-KL/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị “Về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”. Tạo điều kiện cho Trường Đại học Trà Vinh hợp tác với các trường Đại học trong và ngoài nước đầu tư mở các lớp đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, góp phần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức của tỉnh. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong đào tạo, bồi dưỡng và đa dạng hóa các loại hình đào tạo, gắn đào tạo đại học, sau đại học với nghiên cứu khoa học, với sản xuất kinh doanh. Khuyến khích trí thức thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ hội nhập.

         Bốn là: tăng đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, bảo đảm không dưới 2% chi thường xuyên ngân sách hàng năm của tỉnh. Thực hiện cơ chế đặt hàng để bảo đảm trên 70% các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, quản lý nhà nước... Tập trung đầu tư phòng thí nghiệm và trại thực nghiệm hiện đại để nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Xây dựng cơ chế thông thoáng, minh bạch, công bằng thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo phát triển. Tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới sáng tạo và chuyển đổi sử dụng công nghệ tiên tiến. Hỗ trợ, đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ, công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng; thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tranh thủ thu hút nguồn vốn Trung ương hỗ trợ từ các chương trình để phát triển công nghệ và hạ tầng cho nghiên cứu.

         Năm là,; tăng cường, củng cố Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tỉnh; nâng cao trách nhiệm và đóng góp của đội ngũ trí thức.

         Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức đối với trí thức của tỉnh; nâng cao nhận thức chính trị và ý thức trách nhiệm, phát huy vai trò đi đầu và dẫn dắt quần chúng của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đổi mới nội dung học tập chính trị, tư tưởng, đạo đức với các hình thức phù hợp và đa dạng; tiếp đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tăng cường rèn luyện, phấn đấu, bồi đắp, phát huy những phẩm chất tốt đẹp như lòng yêu nước, tính tích cực xã hội, tính nhân văn, đạo đức và lối sống lành mạnh nhằm nâng cao trách nhiệm của đội ngũ trí thức.

         Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Cơ quan Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh và các tổ chức thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, trí tuệ và phát triển. Làm tốt công tác quy tụ, tập hợp, đoàn kết, và chủ động tham gia xây dựng đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, góp phần tăng cường khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh. Làm tốt vai trò điều hòa, phối hợp hoạt động của các hội thành viên; bảo vệ quyền và lợi ích pháp của các hội thành viên và đội ngũ trí thức, tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với trí thức.Tăng cường, nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội và hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức...

         Về phía đội ngũ trí thức cũng phải thấy rõ vinh dự, bổn phận của mình. Không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn; phát huy truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân; năng động sáng tạo, hợp tác cao, trung thực trong hoạt động khoa học; nhiệt tình cống hiến tham gia xây dựng nền kinh tế tri thức, phát triển tỉnh nhà ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

         Tài liệu tham khảo:

         [1] PGS.TS Phạm Văn Linh chủ biên: Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Nhà xuất bản chính trị quốc gia sự thật; Hà Nội năm 2021; trang 45.

         [2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật năm 2011, trang 218.

         [3] Đảng Cộng sản Việt Nam; Sđd, trang 220.

         [4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII; Văn phòng Trung ương Đảng ấn hành; Hà Nội  năm 2016, trang 270.

         [5] Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

         [6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật. Hà Nội năm 2021, tập I, trang 167.

         [7] Tỉnh ủy Trà Vinh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 -2025. Xb năm 2021, trang 96.

                                                                                       Trần Bình Trọng

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh.



 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 1376
  • Trong tuần: 5 798
  • Tất cả: 427284