Cách mạng là sự nghiệp cách mạng của quần chúng - Qua thực tiễn từ căn cứ Tỉnh uỷ ở Giồng Giếng
Trong lịch sử các cuộc kháng chiến cứu nước, bài học về sức mạnh của Nhân dân được các anh hùng dân tộc đã phát hiện và được nêu ra từ rất lâu. Hưng Đạo Vương-Trần Quốc Tuấn cho rằng nguyên nhân lớn nhất đã đem lại  thắng lợi cho dân tộc ta đó là: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”. Hay Nguyễn Trãi - anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã  nhiều lần nhắc đến dân và vai trò sức mạnh của dân: “chở thuyền là dân, lật  thuyền cũng là dân”, “lật thuyền mới biết dân như nước”, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.

         Chủ nghĩa Mác-Lênin cũng luôn đề cao vai trò của quần chúng nhân dân. Theo các nhà lý luận, quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo ra lịch sử, là đầu tàu của mọi cuộc cách mạng. Phát triển tư tưởng từ C.Mác và Ph. Ăngghen, V.I.Lênin cũng khẳng định: “Không có sự đồng tình ủng hộ của đại đa số Nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình, tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được”.

         Kế thừa và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc đồng thời dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của  quần chúng chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân”;

"Nước lấy dân làm gốc...

Gốc có vững cây mới bền,

Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

         Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đã cho chúng ta nhiều bài học vô cùng quý báu: Bước đầu phát động cuộc Tổng khởi nghĩa, Đảng ta chỉ vỏn vẹn có khoảng năm nghìn đảng viên - một con số rất nhỏ bé so với tổng dân số nước ta lúc bấy giờ là gần 20 triệu người. Tuy nhiên, là một Đảng tiên phong cách mạng, có đường lối đúng đắn, sẵn sàng giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, giành lại độc lập cho Tổ quốc, chính quyền về tay nhân dân, song lại có phương pháp, hình thức đấu tranh linh hoạt, kịp thời nắm bắt thời cơ, xây dựng và tổ chức cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu. Vì thế đã động viên được hàng chục triệu nhân dân vùng lên, trong vòng nửa tháng đã chính thức xác lập chính quyền nhân dân trong cả nước.

         Không chỉ có chiến thắng của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, chúng ta còn có chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vang dội, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Sau đó, Nhân dân ta lại tiếp tục “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ là thắng lợi của nhân nghĩa, của khát vọng hòa bình và cũng chính là chiến thắng của lòng dân, sức dân với tinh thần, khí phách mãnh liệt và cùng đồng lòng cùng nhau của Nhân dân ta.

         Thực tế tại Trà Vinh, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, giành chính quyền về tay Nhân dân và tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ giành thắng lợi thể hiện rất rõ bài học sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân qua nhiều sự kiện, tư liệu lịch sử. Trong đó việc xây dựng căn cứ Tỉnh uỷ tại Giồng Giếng, xã Trường Long Hoà huyện Duyên Hải (nay là xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải) là một minh chứng.

         Ngày 20/7/1954 Hiệp định Gie-neo-vơ được ký kết, đồng bào các dân tộc ở Trà Vinh cùng cả nước hân hoan mừng chiến thắng, chào đón hòa bình và chờ ngày Tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, Mỹ-Diệm với âm mưu chia cắt lâu dái đất nước ta, biến miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, chúng đã lật lọng không thi hành Hiệp định, tiến hành thiết lập hệ thống tổ chức bộ máy ngụy quân, ngụy quyền từ tỉnh đến huyện, xã, ấp; xây dựng thêm những cứ điểm quân sự, hệ thống đồn bót và lập những khu gom dân để kìm kẹp, tách dân khỏi cách mạng.

        Đầu năm 1957, Tỉnh ủy Trà Vinh tổ chức quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Xứ ủy Nam bộ. Hội nghị họp ở khu rừng ấp Mới - đây là căn cứ Tỉnh ủy xây dựng dự phòng tránh địch khi có càn quét. Giai đoạn này, Tỉnh uỷ chỉ đạo xây dựng nhiều “căn cứ”, đảm bảo an toàn cho Tỉnh ủy, đồng thời cơ động trong chỉ đạo, không những ở căn cứ du kích ven biển Trường Long Hòa, Long Toàn, Long Hữu, Mỹ Long, Ngũ Lạc thuộc huyện Cầu Ngang và Duyên Hải hiện nay mà còn xây dựng những căn cứ lõm chính trị, căn cứ trong lòng dân ở Nhị Long, Đức Mỹ huyện Càng Long, Xuân Hiệp huyện Trà Ôn, Hiếu Thành huyện Vũng Liêm…

       Sau Hội nghị ở khu rừng ấp Mới, xuất phát từ tình hình thực tế, do nhu cầu cách mạng phải có lực lượng vũ trang để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, Tỉnh ủy cần có căn cứ địa để lãnh đạo quân, dân kháng chiến. Tỉnh ủy đã quyết định chọn địa bàn xã Trường Long Hoà (nay là xã Trường Long Hòa, Dân Thành thuộc thị xã Duyên Hải và xã Đông Hải thuộc huyện Duyên Hải) là vùng đất giàu truyền thống và phong trào cách mạng đã phát triển mạnh trong giai đoạn 1954 - 1957 để làm căn cứ địa. Lấy Giồng Giếng làm trung tâm căn cứ, vì Giồng Giếng có địa thế rừng, sông rạch liên hoàn, đồng bào một lòng theo Đảng.

       Đầu năm 1958, Tỉnh ủy thường ở ấp Giồng Giếng, ấp Mới xã Trường Long Hòa (nay thuộc xã Dân Thành - Duyên Hải) nhằm củng cố, mở rộng vùng căn cứ kháng chiến của tỉnh làm chỗ dựa đứng chân xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, tấn công địch. Khi về Giồng Giếng, giai đoạn đầu Thường trực Tỉnh ủy thường ở nhà ông Lê Văn Thân (còn gọi là ông Mười Chiến Lược), sau đó sử dụng vuông nhà và khu rừng phía sau xây dựng căn cứ trong đó có ngôi nhà sàn dạng nhà thờ tự nhằm che mắt địch để làm nơi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy.

       Các bộ phận của Tỉnh ủy giai đoạn này gồm: bảo vệ, giao liên, văn thư, điện đài, nghiên cứu, cơ yếu và căn cứ. Bộ phận bảo vệ căn cứ được phân chia thành các tiểu đội bố trí ở nhiều nơi thuộc căn cứ lõm du kích, có nhiệm vụ nghiên cứu bố trí công sự trận địa bảo vệ vòng trong kết hợp với lực lượng của các địa phương bố trí trận địa chống càn ở vòng ngoài, vận động Nhân dân trong khu vực căn cứ nêu cao tinh thần bảo vệ căn cứ, thực hiện phòng gian bảo mật, cùng với Ban Căn cứ Tỉnh ủy đào công sự trong khu vực căn cứ để các đồng chí lãnh đạo tránh bom đạn của địch, giúp đỡ Nhân dân trong khu vực ổn định cuộc sống, củng cố lại nơi ăn, chốn ở của Nhân dân sau những lần địch càn quét vào căn cứ. 

         Sau khi trở về đứng chân ở Giồng Giếng, Tỉnh ủy lãnh đạo quân, dân tiếp tục kháng chiến. Để phù hợp với tình hình mới, Tỉnh ủy chuyển hướng chiến lược từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh võ trang. Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường các hoạt động vũ trang diệt ác trên địa bàn toàn tỉnh nhằm phân tán lực lượng địch.

          Ngày 14/5/1959, tại ấp Láng Cháo (xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, nay thuộc thị xã Duyên Hải), Tỉnh ủy tổ chức lễ ra mắt đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh mang tên “Tiểu đoàn Cửu Long”. Sự ra đời của lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Trà Vinh là niềm khích lệ to lớn đối với tinh thần đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, vì nó đáp ứng những nhu cầu bức xúc của quân, dân Trà Vinh đòi hỏi phải tăng cường các hoạt động vũ trang đánh địch khi quân thù ngày càng gây thêm những tội ác dã man.

       Giữa năm 1960, Xứ ủy Nam bộ họp Hội nghị lần thứ 5, Hội nghị đã đánh giá tình hình phong trào cách mạng ở Nam bộ và quyết định phát động một cao trào Đồng Khởi toàn Nam bộ, thống nhất hành động vào ngày 14/9/1960. Thực hiện quyết định này, Liên Tỉnh ủy miền Tây Nam bộ chỉ thị cho các Tỉnh ủy lãnh đạo toàn dân trong các tỉnh tiến hành Đồng Khởi đúng theo thời gian và kế hoạch mà Xứ ủy Nam bộ đã vạch ra.

       Sau khi nhận được chỉ thị của Liên Tỉnh ủy miền Tây Nam bộ, đồng chí Trần Văn Long (Mười Dài), Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp Tỉnh ủy mở rộng ở Giồng Giếng bàn bạc, đánh giá các mặt chuẩn bị, thống nhất quan điểm chỉ đạo và thông qua kế hoạch Đồng Khởi. Tỉnh ủy quyết định chọn huyện Cầu Ngang làm địa bàn trọng điểm, xã Mỹ Long làm điểm đột phá đầu tiên. Đêm 13 rạng 14/ 9/1960, lửa Đồng Khởi đã bùng lên khắp tỉnh Trà Vinh. Qua Đồng Khởi, có 12 xã với 189 ấp được hoàn toàn giải phóng, 7 xã với 150 ấp cơ bản được giải phóng. Sau Đồng Khởi, lực lượng chính trị của quần chúng thêm lớn mạnh, khối đoàn kết Kinh - Khmer - Hoa ở Trà Vinh được củng cố và khẳng định sức mạnh của mình. Lực lượng vũ trang nhân dân địa phương được tăng cường. Đội ngũ đảng viên cơ sở được phát triển, hệ thống tổ chức Đảng thêm vững mạnh. Tinh thần một bộ phận nguỵ quân, nguỵ quyền ở nhiều nơi trong tỉnh bị sa sút, hoang mang; vùng kiềm bị phá lỏng.

       Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, tiếp đó Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tỉnh Trà Vinh cũng được thành lập. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Trà Vinh, Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Trà Vinh và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã giương cao ngọn cờ đại nghĩa, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thế và lực mới mở đầu cho bước phát triển mới trong sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ - Ngụy.

       Sau Đồng Khởi của Nhân dân miền Nam “chiến tranh đơn phương" của Mỹ - Ngụy đã hoàn toàn thất bại. Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ thay đổi bằng chiến lược "chiến tranh đặc biệt”, tăng viện trợ cho quân đội và chính quyền miền Nam, đưa thêm cố vấn Mỹ, mở đầu bằng kế hoạch Stalay - Taylo, bình định nông thôn, dồn dân, lập ấp chiến lược. Để kịp thời chỉ đạo sắp xếp tổ chức và phát triển lực lượng đáp ứng yêu cầu của cách mạng giai đoạn mới, từ Căn cứ Giồng Giếng, Tỉnh ủy đã lãnh đạo Đảng bộ và quân, dân trong tỉnh khuếch trương thắng lợi, phát huy ý chí tự lực tự cường, tích cực phát triển lực lượng mọi mặt để đánh địch. Trên địa bàn tỉnh hình thành rõ 3 vùng: vùng giải phóng, vùng tranh chấp và vùng địch kiểm soát. Vùng giải phóng tập trung ở vùng ven biển, ven sông; vùng tranh chấp tập trung ở khu vực nông thôn đồng bằng; vùng địch kiểm soát tập trung ở địa bàn tỉnh lỵ, các quận lỵ ven các tuyến đường giao thông. Cách mạng tỉnh nhà đã chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Xuất phát từ tình hình thực tế giữa ta và địch, để kịp thời lãnh đạo đưa phong trào phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhất là ở những vùng tranh chấp, vùng địch kiểm soát, cuối năm 1962, Tỉnh ủy quyết định chuyển dần các bộ phận của Tỉnh ủy từ Giồng Giếng về vùng Trà Cú rồi lên Cầu Kè, Trà Ôn. Đến đầu năm 1964 thì toàn bộ các bộ phận của Tỉnh ủy rời khỏi căn cứ Giồng Giếng đến vùng căn cứ Cầu Kè rồi triển khai dần đi các huyện khác: Càng Long, Vũng Liêm… kết thúc những ngày tháng mà Tỉnh ủy đứng chân ở Giồng Giếng lãnh, chỉ đạo quân, dân kháng chiến, kết thúc một giai đoạn lịch sử với những thắng lợi quan trọng của Tỉnh ủy Trà Vinh, tạo tiền đề cho những thắng lợi tiếp theo.

         Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tỉnh ủy cần phải có căn cứ địa để đứng chân và lãnh, chỉ đạo cuộc kháng chiến. Việc xây dựng căn cứ mang tính chất quan trọng đặc biệt; vừa phải đảm bảo yêu cầu: an toàn, bí mật, cơ động và có thế liên hoàn vừa phục vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thường xuyên, vừa chỉ đạo các chiến dịch tấn công địch và là vị trí có lợi thế tránh được biệt kích, thế chống được địch đánh vào căn cứ của cơ quan lãnh đạo cao nhất tỉnh Trà Vinh.

       Căn cứ Giồng Giếng cũng thể hiện rõ sức mạnh của Nhân dân trong thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đó là sức mạnh tổng hợp của cả một dân tộc đấu tranh vì chính nghĩa, trong đó quần chúng nhân dân là một trong những yếu tố quan trọng "Căn cứ trong lòng dân". Không như nhiều căn cứ khác nằm biệt lập trong rừng, căn cứ Giồng Giếng nằm trong khu dân cư, các bộ phận của Tỉnh ủy thường ngày đóng ở nhà dân hoạt động chỉ xuống cứ khi có động. Thế nhưng trong thời gian ở đây, mặc dù địch nhiều lần càn quét nhưng không thể phát hiện, có được điều đó bởi quần chúng nhân dân đặt hết lòng tin yêu vào Đảng, sẵn sàng hy sinh để cưu mang, đùm bọc, chở che cán bộ cách mạng tiêu biểu nhất là gia đình ông Lê Văn Thân.

       Căn cứ Giồng Giếng cũng minh chứng nghệ thuật lãnh đạo cách mạng tài tình của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nó cũng chứng minh mục đích lý tưởng của Đảng là vì dân, vì nước. Đảng được Nhân dân nuôi dưỡng, bảo vệ cùng đấu tranh vì sự nghiệp độc lập dân tộc. Đó là nguyên nhân quyết định giúp cho Đảng bộ Trà Vinh hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình lãnh đạo quân, dân Trà Vinh giành những thắng lợi quyết định ngay những năm đầu của cuộc kháng chiến đầy khó khăn, gian khổ, làm tiền đề cho những thắng lợi tiếp theo và kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

          Căn cứ Giồng Giếng cũng khẳng định một bài học: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, nhưng không thể thiếu sự lãnh đạo của Đảng. Tỉnh ủy Trà Vinh - hạt nhân lãnh đạo của Đảng bộ và Nhân dân Trà Vinh. 

                                 Trần Bình Trọng

                                            Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 579
  • Trong tuần: 6 170
  • Tất cả: 427938