Phát triển kinh tế du lịch tỉnh Trà Vinh trong điều kiện biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, góp phần phát triển kinh tế du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Trà Vinh là tỉnh Duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu; tiếp giáp với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng và biển Đông. Tỉnh Trà Vinh cách Thành phố Hồ Chí Minh 130 km theo quốc lộ 60 và thành phố Cần Thơ 80 km theo quốc lộ 54. Diện tích tự nhiên 2.341 km2, dân số trên 1,1 triệu người với 03 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa, trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 30% dân số. Là tỉnh có mưa thuận gió hòa, là vùng đất mang nét đặc trưng cho sự giao thoa chuyển vùng từ đồng bằng sang vùng biển đã tạo cho Trà Vinh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch.

Chùa Konleng Ses (trước đây là Chùa Pisésaram) trên địa bàn ấp Nguyệt Lãng B,

xã Bình Phú, huyên Càng Long, tỉnh Trà Vinh

         Du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh là một trong những sản phẩm khác biệt so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trà Vinh là vùng đất gắn bó lâu đời của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã hình thành một nền văn hóa đa sắc tộc với nhiều đình, chùa, nhà thờ và các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm với nhiều trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc truyền thống lâu đời. Đây là là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh và thực hành các nghi lễ tôn giáo cho du khách thích khám phá khi đến miền đất này. Các điểm tham quan như: Điểm du lịch sinh thái Cồn Hô, chùa Vàm Ray, Biển Ba Động, Chùa Hang (Chùa Kamponnigrodha), Khu Văn hóa du lịch Ao Bà Om, Điểm du lịch Cộng đồng Cồn Chim, Di tích kiến trúc Lưu Cừ II, Lầu Bà Cố Hỷ, Chùa Bào Môn, Chùa ấp Sóc, Chùa Giác Linh, Rừng Ngập mặn Long Khánh, Đền thờ Bác Hồ, nhà thờ Mặc Bắc, Khu di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu,… Với vị trị trí nằm giữa hai nhánh sông Mêkông và tiếp giáp biển Đông, gồm vùng đất trẻ bên cạnh vùng đất châu thổ lâu đời hình thành nên nhiều cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển với những vườn cây ăn trái chuyên canh đã tạo cho Trà Vinh có lợi thế để phát triển loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch nghỉ dưỡng như: Cù lao Long Trị nằm trên sông Tiền, thuộc xã Long Đức, Thành phố Trà Vinh; Cù lao Hoà Minh, Long Hoà nằm trên sông Tiền thuộc huyện Châu Thành, tiếp giáp với cù lao Long Trị; Cù lao Tân Quy trên sông Hậu, thuộc huyện Cầu Kè. 

         Là tỉnh ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long với địa hình thấp và phẳng, có hệ thống sông rạch phong phú, đất đai luôn được phù sa bồi đắp đã tạo cho Trà Vinh một nền sản xuất nông nghiệp đa dạng và phong phú từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ở cả ba vùng nước mặn, lợ, ngọt. Đây cũng là nguồn nguyên liệu phong phú kết hợp hài hòa với sự khéo léo, lao động cần cù sáng tạo của người dân địa phương, hình thành nên những làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm đa dạng, tinh xảo, mẫu mã đẹp làm quà tặng du lịch hoặc quà lưu niệm. Chính vì vậy, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng kết hợp tham quan các làng nghề truyền thống cũng là thế mạnh của tỉnh Trà Vinh. Khách du lịch quốc tế có thể tham gia các hoạt động lao động nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất chế tác ở các làng nghề truyền thống cùng với người dân. Đến đây, du khách còn được chứng kiến sự biến đổi khí hậu đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, trải nghiệm cuộc sống gần gũi với thiên nhiên và khám phá cuộc sống ở vùng nông thôn Nam bộ.

         Đặc biệt, hiện nay, tỉnh Trà Vinh có 08 Dự án điện gió được thực hiện, với tổng công suất là 570 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 27.336 tỷ đồng, và đã có nhiều Dự án nhà máy điện gió hòa lưới điện quốc gia, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách tỉnh và là các địa điểm tham quan du lịch cho du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer tại tỉnh Trà Vinh

         Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực của tỉnh Trà Vinh cũng rất đa dạng, phong phú; là vùng đất cộng cư lâu đời của các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa có sự giao thoa và tiếp biến văn hóa đã tạo nên văn hóa ẩm thực của tỉnh Trà Vinh có những nét riêng biệt. Ẩm thực của Trà Vinh được tổng hợp và kế thừa từ văn hóa ẩm thực của các dân tộc với nhiều đặc sản, món ngon nổi tiếng để du khách trải nghiệm và thưởng thức.

“Trà Vinh có bún nước lèo

Có Chùa Ông Mẹt, ao đào Bà Om”

         Những năm gần đây, lĩnh vực du lịch, văn hóa, lễ hội được xác định là thế mạnh đặc thù của Trà Vinh. Từ đó, các sự kiện văn hóa, lễ hội và các hoạt động thể thao luôn được tổ chức song hành, vừa phát triển kinh tế du lịch vừa phát triển phong trào thể thao quần chúng. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đầu năm 2020 đến nay nên hoạt động ở lĩnh vực này bị hạn chế, nhưng với sự nỗ lực vượt bậc, ngành văn hóa - thể thao và du lịch Trà Vinh luôn có những giải pháp tháo gỡ.

          Năm 2019, Trà Vinh đã đón gần 1,1 triệu lượt khách tham quan, vui chơi giải trí, mua sắm, trong đó khách lưu trú trên 683.400 lượt (tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2018); doanh thu du lịch đạt gần 360 tỷ đồng (tăng 30,4% so cùng kỳ năm 2018). Cùng với sự gia tăng về lượng khách, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của tỉnh cũng từng bước được đầu tư, nâng cao số lượng và chất lượng, tỉnh có hơn 150 cơ sở lưu trú, trong đó có 18 khách sạn từ 01 đến 03 sao, tổng số 3.400 giường; tổng vốn xã hội hóa thu hút đầu tư du lịch đạt trên 250 tỷ đồng; các dự án xã hội hóa trùng tu, tôn tạo di tích kết hợp khai thác dịch vụ du lịch, cộng đồng làm du lịch sinh thái đem lại hiệu quả cao, là tiền đề để tỉnh triển khai nhân rộng tại các địa phương. Đặc biệt, Trà Vinh là điểm sáng về du lịch cộng đồng, du lịch thuận thiên được các tỉnh, thành bạn tham quan, học tập kinh nghiệm; công tác thông tin, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, hình ảnh du lịch Trà Vinh được đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết đến. Phát huy thành quả đạt được năm 2019, những tháng đầu năm 2020 du lịch tỉnh nhà tiếp tục phát triển tăng, nhất là việc tổ chức tốt sự kiện 120 năm ngày thành lập tỉnh Trà Vinh.

         Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch của tỉnh, trong bối cảnh cả nước chung tay chống dịch, áp dụng cách ly toàn xã hội nên các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh cũng phải tạm ngừng từ tháng 5/2020. Sau khi dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 được kiểm soát, tháng 6/2020, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã chủ động tham mưu, phối hợp UBND huyện Cầu Ngang tổ chức Tuần lễ Hội chợ Thương mại, Ẩm thực gắn với Lễ hội Cúng biển (Nghinh Ông) Mỹ Long với quy mô cấp tỉnh, gồm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại, ẩm thực… để kích cầu du lịch, từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, vui chơi, giải trí trở lại bình thường.

         Hiện nay, tỉnh Trà Vinh chưa có điều kiện khai thác tài nguyên du lịch, chủ yếu tập trung khai thác tài nguyên tự nhiên sẵn có và các yếu tố văn hóa, tâm linh để thu hút khách mà chưa có nhiều dịch vụ gia tăng đi kèm; công tác thông tin, xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch còn hạn chế về phương thức hoạt động cũng như việc hỗ trợ địa phương trong việc quảng bá du lịch. Kết cấu hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch còn thiếu, sản phẩm du lịch còn ít và chưa hấp dẫn nên chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách quốc tế.

         Theo dự báo của ngành du lịch tỉnh, doanh thu và lượng khách du lịch tiếp tục tăng trong thời gian tới là do chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Trà Vinh và các tỉnh trong cụm du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh, thành phố trong cả nước phát huy hiệu quả khi cầu Cổ Chiên giúp rút ngắn được thời gian di chuyển giữa Trà Vinh và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, một số điểm du lịch mới của tỉnh cũng được nhiều du khách biết đến như Khu du lịch Dèjà Vu Huỳnh Kha (thành phố Trà Vinh), Trúc Lâm Thiền viện (thị xã Duyên Hải). Và đặc biệt, khi nhiều nước trên thế giới nới lỏng các hạn chế xuất nhập cảnh và dần coi Covid-19 như bệnh đặc hữu, ngành du lịch nói chung và Trà Vinh nói riêng đang ngày càng hy vọng rằng 2022 sẽ là năm chứng kiến sự bùng nổ trở lại.

         Để phát triển tiềm năng về kinh tế du lịch trong điều kiện biến đổi khí hậu và thích ứng linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, góp phần phát triển kinh tế du dịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Trà Vinh tập trung tổ chức thực hiện những nội dung sau:

         1. Tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch 2017, Kế hoạch số 48-KH/TU, ngày 2/6/2017 của Tỉnh ủy và Kế hoạch để cụ thể hóa mục tiêu phát triển du lịch trong giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030([1]), xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị để nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong hành động của các cấp ủy, các ngành, doanh nghiệp và người dân. Quán triệt, thực hiện tốt 5 định hướng mới cho phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam([2]).



         ([1]) Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; tập trung xây dựng điểm đến, kêu gọi đầu tư vào các loại hình du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch biển, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái miệt vườn, trong đó,  xây dựng loại hình du lịch văn hóa dân tộc là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư hình thành hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch, bảo đảm đủ khả năng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao quy mô vùng và cấp quốc gia. Mục tiêu đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tỷ trọng lớn vào cơ cấu GRDP của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngành du lịch có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có tính thương mại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ngành du lịch Trà Vinh phấn đấu đón 1,3 triệu lượt khách vào năm 2020; 2,5 triệu lượt khách vào năm 2025 và 3,6 triệu lượt khách vào năm 2030.

         ([2]) 5 định hướng mới cho phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam được xác định tại diễn đàn du lịch với chủ đề Phục hồi du lịch Việt Nam: Định hướng mới - Hành động mới, ngày 01/4/2022, bao gồm: Định hướng về thị trường; định hướng sản phẩm; định hướng xúc tiến, quảng bá du lịch; định hướng chuyển đổi số trong ngành du lịch và định hướng phát triển nguồn nhân lực.

         Đặc biệt, để góp phần phát triển kinh tế du lịch, tạo sinh kế bền vững cho người dân, các cấp chính quyền và ngành du lịch tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường xúc tiến, quảng bá, kết nối các loại hình, hoạt động du lịch trong nước và ngoài nước. Cụ thể, trong năm 2022, tỉnh sẽ khắc phục những khó khăn do dịch Covid-19, thực hiện khôi phục hoạt động du lịch, thích ứng linh hoạt trong trạng thái bình thường mới. Trong đó, phấn đấu đón 550.000 lượt khách du lịch, với khoảng 10.000 lượt khách quốc tế (tăng 22% so với năm 2021). Đặc biệt, bắt kịp xu thế sống quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe và môi trường sau đại dịch, tỉnh Trà Vinh sẽ phối hợp hướng dẫn cộng đồng, doanh nghiệp, các cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn thực hiện sản xuất sạch, thân thiện với môi trường... ghi dấu Trà Vinh là một điểm đến trong lành, đặc sắc đối với du khách.

         2. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, chú trọng công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm tra các loại hình kinh doanh du lịch (lưu trú, lữ hành, hướng dẫn viên...) nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Rà soát, quy hoạch, hình thành các bến tàu, điểm dừng chân du lịch, các khu vui chơi giải trí, chợ đêm, phố ẩm thực, công viên, bãi đậu xe … đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

         3. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống khách sạn, nhà nghỉ đảm bảo tiêu chuẩn; phương tiện vận chuyển khách du lịch là phương tiện thủy để đến các cồn, cù lao đảm bảo không ô nhễm môi trường,... phục vụ phát triển du lịch, đáp ứng nhu cầu phục vụ và giữ chân khách du lịch.

         4. Triển khai thực hiện đạt hiệu quả kế hoạch hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

         5. Tạo quỹ đất sạch mời gọi các dự án đầu tư du lịch, quan tâm đến nhà đầu tư có tiềm lực để tạo động lực đột phá phát triển du lịch.

         6. Xã hội hóa trong xúc tiến quảng bá du lịch, đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển du lịch cộng đồng; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, bao gồm nhân lực quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Phổ biến, quán triệt, hướng dẫn thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 của ngành du lịch, ngành y tế và các cơ quan chức năng. Đồng thời, để đảm bảo đón khách hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động kiểm tra, rà soát chất lượng và đầu tư cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách, đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn hiện hành. Chủ động tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ kịp thời đáp ứng mở cửa lại du lịch. Triển khai các hoạt động xây dựng sản phẩm, quảng bá, truyền thông, kích cầu du lịch nội địa và quốc tế, kết nối điểm đến, phát triển sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch.

         7. Đầu tư nguồn lực cho việc tu bổ, tôn tạo di tích và bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể, nâng cấp các lễ hội để phát huy các giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Phát triển các làng nghề truyền thống, nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm; hướng dẫn, tập huấn, đào tạo người dân các xã nằm trong khu du lịch làm nghề dịch vụ, sản xuất hàng lưu niệm, tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương phục vụ khách du lịch. Nhất là các sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu trải nghiệm của du khách dưới tác động của dịch Covid-19.

         * Tài liệu tham khảo:

         1. Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

         2. Báo cáo kiểm tra, rà soát việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hiệu quả kinh doanh tại dự án đầu tư du lịch của Công ty TNHH Du lịch sinh thái biển Ba động của Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh năm 2018.

         3. Thanh Hòa, Phát huy tiềm năng du lịch Trà Vinh, https://dantocmiennui.vn/du-lich/phat-huy-tiem-nang-du-lich-tra-vinh/168953.html, 04/01/2018.

         4. Huy Tự, Trà Vinh đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, https://baodautu.vn/tra-vinh-dua-du-lich-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-d91137.html, 18/11/2018.

         5. Gia Bách, Trà Vinh phát triển du lịch thân thiện, bền vững. https://www.nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Tra-Vinh-phat-trien-du-lich-than-thien-ben-vung-6-38-15284, 15/2/2022.

         6. Phúc Nguyễn, Trà Vinh sẽ có 5 dự án điện gió hòa lưới điện quốc gia trong tháng 10/2021, https://baodautu.vn/tra-vinh-se-co-5-du-an-dien-gio-hoa-luoi-dien-quoc-gia-trong-thang-102021-d146975.html, 11/7/2021.

  7. Trung tâm Thông tin du lịch, 5 định hướng mới cho phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam, https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/40305, 01/4/2022.

         8. Zing News, kỳ vọng mới với ngành du lịch hậu covid-19, https://dulichtravinh.com.vn/ky-vong-moi-voi-nganh-du-lich-hau-covid-19/, 29/3/2022.

    9. Trung tâm Thông tin du lịch, Doanh nghiệp du lịch cần làm gì để thực hiện mở cửa đón khách an toàn, hiệu quả, https://dulichtravinh.com.vn/doanh-nghiep-du-lich-can-lam-gi-de-thuc-hien-mo-cua-don-khach-an-toan-hieu-qua, 24/3/2022.

10. Bá Thi, Ngành văn hóa, thể thao và du lịch Trà Vinh: Những giải pháp tháo gỡ trước đại dịch Covid-19, Báo Trà Vinh online, 18/9/2020.

Trần Bình Trọng

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 3
  • Trong tuần: 813
  • Tất cả: 434245