Công tác tư tưởng góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022.
Một luận điểm rất quan trọng của C. Mác được Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh trong lãnh đạo, chỉ đạo là: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.

         Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, vậy ai là người đưa nhân tố tự giác đó đến quần chung? Chính Đảng Cộng sản thông qua hoạt động tư tưởng đã đưa yếu tố tự giác vào quần chúng để tạo ra phong trào cách mạng tự giác của quần chúng.

         Công tác đầu tiên của thi đua là công tác tư tưởng. Các hoạt động lý luận, tuyên truyền, cổ động là động lực thúc đẩy quần chúng tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, công tác lý luận góp phần hình thành nên đường lối thi đua, cơ chế, chính sách phát động, nuôi dưỡng và phát triển phong trào. Công tác tuyên truyền có vai trò truyền bá mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của từng phong trào cũng như hình thức, kinh nghiệm tổ chức thi đua vào quần chúng, đưa nhân tố tự giác cách mạng vào quần chúng. Công tác cổ động là phát hiện những nhân tố mới, những sáng kiến mới, những thành tựu mới trong phong trào để cổ động mọi người, khơi dậy tình cảm, động viên mọi người thi đua. Như vậy, công tác tư tưởng với phong trào thi đua không chỉ đề xuất phong trào, cơ chế, chính sách nuôi dưỡng, phát triển phong trào thi đua mà còn tập trung vào việc giáo dục, động viên quần chúng tự giác, hăng hái  thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn.

         Thực tiễn cách mạng Việt Nam nói chung, của tỉnh ta nói riêng trong hơn 90 năm qua đã khẳng định: Hoạt động tư tưởng của toàn Đảng đã góp phần quan trọng thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong toàn dân, tạo nên các phong trào cách mạng, lập nên những chiến công, những thành tích có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Cao trào cách mạng 1930 - 1931; cao trào 1939, cao trào 1941 - 1945 đến Cách mạng Tháng Tám thành công. Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng cũng như Đảng bộ Trà Vinh đã tiến hành các hoạt động tuyên truyền, giáo dục; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước như: Phong trào  “Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”; “Toàn dân kháng chiến, Toàn diện kháng chiến”. Tiếp theo các phong trào thi đua sôi nổi trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cả nước hưởng ứng các phong trào thi đua trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Đó là các phong trào: “Ba sẵn sàng” trong thanh niên, “Ba đảm đang”; trong phụ nữ; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; “Ba mục tiêu” trong sản xuất nông nghiệp; “Ba cải tiến” trong sản xuất công nghiệp; “Hai tốt” trong giáo dục; “Lương y như từ mẫu” trong y tế; “Tiếng hát át tiêng bom” trong văn hoá...

         Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là trong thời kỳ đổi mới, đã xuất hiện hàng loạt các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”; phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo”; phong trào “Năm xung kích - Bốn đồng hành”; phong trào “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”; phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”; phong trào “Thi đua Quyết thắng”; các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, v,v ...chính những phong trào thi đua này đã góp phần tạo nên những thành tựu rất quan trọng của sự nghiệp đổi mới 35 năm qua.

         Đối với tỉnh Trà Vinh, ngay sau khi các chi bộ Đảng được thành lập, các chi bộ Đảng và đảng viên đã tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, hàng ngàn lượt quần chúng đã tham gia đấu tranh, biểu tình trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939, khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1941 và Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, cán bộ, đảng viên đã vận động Nhân dân tham gia“Tuần lễ Vàng”, phong trào “tăng gia sản xuất” để “diệt giặc đói”, phong trào “bình dân học vụ” để “diệt giặc dốt”, tham gia vào bộ đội để “diệt giặc ngoại xâm”; đóng góp hũ gạo nuôi quân, phong trào đỡ đầu chiến sĩ, v.v...Trong kháng chiến chống Mỹ, Nhân dân đã tham gia phong trào Đồng Khởi; các phong trào thi đua: “Vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, phong trào ”Đảm đang sản xuất, đóng góp người, của cho chiến đấu”; phong trào ”diệt ác, phá kiềm”,xây dựng xã, ấp chiến đấu”, phong trào tòng quân giết giặc lập công; tham gia dân công phục vụ chiến đấu, vận tải lương thực, vũ khí; tham gia công tác phòng gian, diệt ác, bảo vệ căn cứ cách mạng. Nhân dân trong vùng tranh chấp và vùng địch tạm chiếm tích cực các phong trào tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống bắt lính, chống bắn phá bừa bãi, đóng góp lương thực, thực phẩm, thuốc men... cho kháng chiến. Chính các phong trào của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, làm nên thắng lợi vẻ vang ngày 30/4/1975, giải phóng Trà Vinh, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

         Những năm gần đây, thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, các phong trào thi đua của tỉnh như:

         + Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” nhiều mô hình được phát động phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, như: mô hình "Mỗi địa phương một sản phẩm", "Tuyến đường xanh - sạch - đẹp", "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch"; "Thắp sáng đường quê”....

         + Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”  hầu hết các xã đều có đề án phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa dựa vào lợi thế của địa phương; xây dựng trên 200 mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế và được nhân rộng, sản xuất phát triển, thu nhập, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo có sự chuyển biến rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 13,23% năm 2015, đến cuối năm 2020 còn 1,57%;.

         + Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, tỉnh tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển.

         + Phong trào“Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, nhận thức của công chức, viên chức, người lao động về xây dựng văn hóa công sở có nhiều chuyển biến tích cực, phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực hơn, tác phong làm việc chuyên nghiệp hơn, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

         Các phong trào thi đua do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã - hội phát động, có bước phát triển mới, như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Xây dựng nhà đại đoàn kết”, “Phụ nữ tích cực, chủ động giúp nhau, xây dựng gia đình hạnh phúc 5 không, 3 sạch”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”.. Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch COVID - 19, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong toàn tỉnh đã có những cách làm hay, sáng tạo, góp phần quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đã thể hiện được tinh thần tương thân, tương ái, sự tiên phong, gương mẫu và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trước những vấn đề quan trọng của địa phương, của đất nước..

         Năm 2021, năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, với phương châm hành động: “Đoàn  kết, Kỷ cương, Hành động, Sáng tạo, Đột phá, Phát triển”, tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua trọng tâm: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, phong trào thi đua phát triển doanh nghiệp và các phong trào khác làm nòng cốt cho các phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay; thi đua thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thi đua chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp. đã góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết năm 2021 của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh và kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

         Có thể khẳng định, các phong trào thi đua yêu nước đã khơi dậy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. là biểu tượng đặc trưng của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.

         Năm 2022, năm thứ hai thực hiện thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, năm kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (5/1992 - 5/2022) trong điều kiện có nhiều khó khăn thách thức: Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu làm tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại… sẽ tác động bất lợi đến tình hình nước ta. Thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng cả về tác động và cường độ. Trong tỉnh, nền kinh tế của tỉnh có tăng trưởng nhưng một số lĩnh vực thiếu ổn định, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi còn chậm so với yêu cầu, hạn mặn còn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, khoảng cách với các tỉnh nhóm đầu còn khá lớn. Trong kỳ họp lần thứ III, Hội đồng nhân dân tỉnh khoá X đã xác định một số chỉ tiêu chủ yếu của năm 2022, như: GRDP tăng trưởng từ 10-11% so với năm 2021. GRDP bình quân đầu người đạt 74 triệu đồng; Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 72,96% GRDP. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 29.000 - 30.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 30,92%. Thu thu nội địa 5.183 tỷ đồng. Có thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Cầu Ngang, huyện Duyên Hải đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều 1,5% - 2%. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt 99,5%. Có 99,2% dân cư thành thị; 99,8% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, v,v....

         Để góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết năm 2020 của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh, công tác tư tưởng cần làm tốt mấy vấn đề sau:

         Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, các chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, vị trí và tác dụng to lớn của công tác thi đua, khen thưởng, coi thi đua yêu nước là động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

         Hai là, tổ chức triển khai, quán triệt trong nội bộ và tuyên truyền rộng rãi các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ tình hình thuận lợi, khó khăn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết năm 2022 của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Đối với từng cơ quan, đơn vị và từng địa phương phải quán triển cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhiệm vụ chính trị trong năm 2022 của cơ quan, đơn vị và địa phương, qua đó cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, doanh nghiệp, mọi cán bộ, đảng viên và Nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần tiến công cách mạng, quyết tâm phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khôi phục và duy trì phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022.

          Ba là, công tác tư tưởng giúp cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể quán triệt thông suốt trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời, tham mưu xác định đúng đắn mục tiêu thi đua cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, từng thời điểm, mục tiêu thi đua của mỗi phong trào, Chú trọng bám sát nhiệm vụ chính trị và chủ đề thi đua giai đoạn 2020 - 2025: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của Trung ương và chủ đề của tỉnh "Người người thi đua, ngành ngành thi đua, hành động quyết liệt, sáng tạo bức phá, để Trà Vinh phát triển nhanh và bền vững". Riêng năm 2022, cần tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua, huy động sự chung tay, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh, đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh; thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép; phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (5/1992 - 5/2022); phong trào thi đua chào mừng Đại hội các đoàn thể (tiến hành đại hội trong năm 2022, như: Hội Cựu Chiến binh; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh); thi đua đạt chuẩn nông thôn mới (đối với huyện Cầu Ngang và Trà Cú), thi đua kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ,

          Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân rộng các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, các mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng như báo, đài, cổng thông tin điện tử của tỉnh, các trang tin của sở, ngành tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, nhất là các điển hình trong phòng, chống dịch bệnh; trong sản xuất, kinh doanh; trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; trong phong trào đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo bền vững, trong công tác, học tập...

          Năm là, gắn các phong trào thi đua yêu nước với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhất là chuyên đề toàn khóa  “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” và chuyên đề năm 2022;  Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành (khóa XIII)“Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ và các tổ chức cơ sở Đảng; tăng cường hiệu lực trong quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước; đảm bảo chất lượng hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận; huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia và hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước.

         Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất”, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong khối công tác tư tưởng quyết tâm cùng các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức, cơ quan, đoàn thể, các địa phương và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong năm 2022.

                        Trần Bình Trọng

Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 119
  • Trong tuần: 991
  • Tất cả: 434001