Nhân bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nghĩ về tư tưởng và bài học kinh nghiệm “Dân là gốc”
Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã và đang ra sức thi đua lập thành tích kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021) và đón chào ngày hội của toàn dân - Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 23/5/2021. 

Bức ảnh Bác Hồ về thăm các bà mẹ Pác Bó tại Hà Giang, Cao Bằng, ngày 19/12/1961Ảnh: TL

         Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Thông qua bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền công dân, quyền "làm chủ" của dân được thể hiện đúng với bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: Mọi quyền lực thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nói cách khác, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chính là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng nhà nước nói chung và cơ quan đại  diện - cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương tới địa phương ở nước ta nói riêng. Tham gia bầu cử chính là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng là quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

            Tổ chức cuộc bầu cử dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân chính là sự phát huy tư tưởng chính trị “Dân là gốc” của cha ông ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cũng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

            Dân tộc Việt Nam có lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, trong quá trình dựng nước và giữ nước đã tạo nên sự gắn bó, cố kết tự nhiên, bền chặt, sớm hun đúc nên lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam, lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam phát triển thành Chủ nghĩa yêu nước, có sức sống mãnh liệt và luôn tỏa sáng; là động lực tinh thần giúp dân tộc ta vượt qua bao khó khăn thử thách.

            Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam mang đậm tư tưởng dân chủ và tính nhân văn sâu sắc, yêu nước gắn với yêu dân và ý thức cộng đồng, phản ảnh tư tưởng: “Dân là gốc” trong tư tưởng chính trị Việt Nam. Trong Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ thể hiện: “Đóng nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế lâu dài cho con cháu mai sau” là thực hiện “trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân”;[1] Lý Thường Kiệt - Nhà quân sự lỗi lạc thời nhà Lý thì yêu cầu: “Làm việc cốt tránh phiền dân. Sai khiến dân, cốt khuyên nhủ dân vui theo... Đem bụng khoan thứ cứu dân, lấy lòng nhân ái yêu dân... Lấy sự no đủ làm nguyện vọng của dân, coi việc cày cấy làm gốc của nước...”[2]. Trong Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, với tư tưởng “trên dưới đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức”, “cử quốc nghênh địch”, “tận dân vi binh”, “bách tính giai binh” đã tập hợp được lực lượng và tạo nên động lực to lớn, có ý nghĩa quyết định để chiến thắng các đạo quân xâm lược hung hãn và trước khi lâm chung, Ông căn dặn: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”[3]; thất bại nhanh chóng của Nhà Hồ trong công cuộc chống xâm lược Minh là do lòng dân không yên như câu nói của Tả tướng quốc  Hồ Nguyên Trừng: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”[4]. Nguyễn Trãi - một nhà tư tưởng lớn của dân tộc cũng khẳng định; “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”; và “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Lật thuyền mới biết dân như nước”; vào thế kỷ XVI Nguyễn Bỉnh Khiêm chủ trương: “Xưa nay nước phải lấy dân làm gốc, nên biết rằng muốn giữ được nước, cốt phải được lòng dân” (Cảm hứng)[5]; vào thế kỷ XVIII, trong bài biểu dâng vua Quang Trung về dân tình xứ Nghệ, Nguyễn Thiếp cho rằng: “Dân là gốc, gốc vững nước mới yên”[6].

         Chủ tịch Hồ Chí Minh – nhà tư tưởng cách mạng, lãnh tụ thiên tài và vô cùng kính yêu của Đảng ta, của Nhân dân và cả dân tộc ta; Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta và non sông, đất nước ta. Người đã để lại cho Đảng ta, Nhân dân ta một di sản vô cùng quý giá, đó là tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người. Trong các nội dung tư tưởng của Người, có tư tưởng về “Dân là gốc”.

         Kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhận thức đúng đắn về vai trò của quần chúng, cho nên Người đã tập hợp, đoàn kết đông đảo Nhân dân, phát huy được vai trò của họ trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Quan điểm cơ bản trong tư tưởng của Người về vai trò quần chúng nhân dân là: "Dân là gốc của một nước, nước lấy dân làm gốc"[7]. Đây chính là chân lý mà Người đúc kết được sau bao năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài và tổng kết từ thực tiễn cách mạng trong nước. Bác khẳng định:“Cách mạng là sự nghiệp chung cả dân chúng, chứ không phải việc một hai người”[8]; “Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”; "Nước lấy dân làm gốc...Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân"[9] .

         Từ quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”[10] Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra sức mạnh của Nhân dân trong sự cấu kết với cộng đồng dân tộc, giai cấp với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Có dân là có tất cả đã trở thành phương pháp luận và phương châm hành động trong hoạt động cách mạng của Người. “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”[11]Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[12]. Mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong lịch sử dựng nước, giữ nước đều do Nhân dân quyết định “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó[13].  Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của dân”[14]; "Phải thật sự gần gũi Nhân dân, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của Nhân dân, học hỏi kinh nghiệm của Nhân dân”[15]. 

         Trong gần ¼ thế kỷ, trên cương vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam mới, Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Châu Á, với tư tưởng dân là gốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có công đầu trong việc đặt nền móng xây dựng một Nhà nước kiểu mới trong lịch sử dân tộc: nhà nước của dân, do dân, vì dân thông qua cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên vào ngày 06/01/1946.

         Xuất phát từ truyền thống của dân tộc và những giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định “dân là gốc” là bài học kinh nghiệm, là cơ sở cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng. Tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, một trong bốn bài học lớn được Đảng rút ra là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của Nhân dân lao động. Bài học này tiếp tục được quán triệt sâu sắc trong các kỳ Đại hội VII, VIII, IX và X của Đảng. Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011) được Đại hội lần thứ XI của Đảng thông qua, nêu năm bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học: “Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chính Nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời Nhân dân sẽ dẫn đến tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”.[16] Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu tiếp tục quán triệt sâu sắc bài học kinh nghiệm: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm lấy “dân làm gốc”, vì lợi ích của Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân[17]. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thật sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”[18].

         Trong quá trình lịch sử đất nước, từ khi giành độc lập và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (02/9/1945) đến nay, nước ta đã tổ chức 14 kỳ bầu cử Quốc hội. Thông qua các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, quyền công dân, quyền "làm chủ" của dân được thể hiện đúng tư tưởng “Dân là gốc” và đúng với bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: Mọi quyền lực thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nói cách khác, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chính là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng nhà nước nói chung và cơ quan đại  diện - cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương tới địa phương ở nước ta nói riêng; tham gia bầu cử chính là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng là quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng chính là ta chúng ta đã giữ gìn và phát huy tư tưởng “Dân là gốc” của cha, ông trong lịch sử, của Chủ tịch Hồ chí Minh vĩ đại và bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam hơn 91 năm qua./.

[1] Ngô Sĩ Liên và các sử thần Triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư NXB Khoa học xã hội và nhân văn, Hà nội, 2009, tập 1, trang 297, 298.

[2] Trích theo Nguyễn Lương Bích: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước, Nxb Quân đội nhân dân, tr.31.

[3] Ngô Sĩ Liên và các sử thần Triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t2, trang 97

[4] Dũng Phan,  Sử Việt 12 khúc ca tráng, NXB Hội Nhà văn, 2017,  trang 121.

[5] Trần Thị Băng Thanh - Vũ Thanh (2003): Nguyễn Bỉnh Khiêm - Về tác gia và tác phẩm, tr.28.

[6] Theo Nguyễn Tài Thư (chủ biên): Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, trang 359.

 [7]Các Trích dẫn từ 7-15 trong Hồ Chí Minh Toàn tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội, năm 2002.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB  Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2011, trang 65.

[17] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB  Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016 I, trang 69.

[18] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB  Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội năm 2021, tập I, trang 96, 97.

Trần Bình Trọng -

Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Trà Vinh



 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 514
  • Trong tuần: 6 105
  • Tất cả: 427873