Trà Vinh xã hội hóa chương trình bình ổn thị trường
Bình ổn thị trường có thể được hiểu là tạo nguồn hàng hóa ổn định cung ứng cho thị trường nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, tránh thiếu hụt gây sốt giá, nhất là trong những dịp cao điểm như lễ, Tết,… qua đó góp phần bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội. 

Một trong 25 cửa hàng tiện ích tại Trà Vinh

         Về lâu dài, còn thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại, gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa; kiểm soát thị trường, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh vì khi thực hiện bình ổn thị trường luôn gắn với chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất, kết nối cung cầu[[i]],…

         Nhiều năm qua, tỉnh Trà Vinh đã và đang thực hiện Chương trình bình ổn thị trường [[ii]] thông qua việc các doanh nghiệp có nhu cầu được vay vốn với lãi suất ưu đãi để dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán và mùa khai giảng năm học mới. Tính từ năm 2016 đến nay, tỉnh giải ngân 255,047 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp dự trữ các mặt hàng như: Lương thực, thực phẩm, gas, mặt hàng sữa và mặt hàng phục vụ khai giảng năm học.

         Nhìn chung, Chương trình bình ổn thị trường đã góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ, đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ người dân trong dịp lễ, Tết; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; người tiêu dùng tin cậy vào hệ thống điểm phân phối hàng hóa bình ổn, có cơ hội mua hàng hóa với giá thấp hơn thị trường 5-15%;  nâng cao uy tín trách nhiệm và thương hiệu của doanh nghiệp,...

Một Siêu thị mới đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh (2020)

         Tuy vậy, Chương trình bình ổn thị trường cũng có một số một số hạn chế như chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia, hàng hóa bình ổn hạn hẹp, tập trung gồm: mì gói (hoặc sản phẩm tương tự), dầu ăn, nước chấm, sữa, gas, bột ngọt và sách giáo khoa nên chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường; nguồn kinh phí từ Quỹ dự trữ tài chính có hạn chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp,…

         Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Chương trình bình ổn thị trường của tỉnh trong thời gian tới sẽ thực hiện theo hướng xã hội hóa. Cơ sở để xã hội hóa do hệ thống Siêu thị và cửa hàng tiện lợi đã và đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh[[i]] góp phần làm cho nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú đảm bảo nhu cầu thị trường. Mặt khác, những năm qua, cùng với nguồn vốn vay dự trữ hàng hóa (mì gói, dầu ăn,…) thì qua vận động, các doanh nghiệp còn sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp, bình quân khoảng 200-250 tỷ đồng/năm, để chủ động dự trữ bình ổn thịt gia súc, thịt-trứng gia cầm, rau củ quả, thủy hải sản,… Các doanh nghiệp cũng tổ chức được 39 điểm bán hàng bình ổn khắp trong tỉnh, nên hàng hóa không bị khan hiếm trong dịp lễ, Tết; người tiêu dùng (kể cả vùng sâu, vùng xa) vẫn có cơ hội mua được hàng hóa với giá hợp lý. Vì vậy, việc xã hội hóa bình ổn thị trường là cần thiết. Tuy thực hiện xã hội hóa, nhưng nếu các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu vay vốn thực hiện bình ổn thì sẽ được tạo điều kiện kết nối với các tổ chức tín dụng vay vốn với lãi suất phù hợp.

Sản xuất rau an toàn tại Trà Vinh 

         Tham gia xã hội hóa Chương trình bình ổn thị trường nhiệm vụ của ngành nông nghiệp đó là: (1) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển giống gia súc, gia cầm đạt chuẩn và phát triển chăn nuôi tạo nguồn thực phẩm an toàn tham gia bình ổn thị trường. Cũng cần nói thêm, đây là nhiệm vụ không dễ, nhất là bệnh Dịch tả heo Châu Phi (năm 2019) gây thiệt hại không nhỏ cho đàn heo của tỉnh, việc khôi phục đàn còn gặp nhiều khó khăn (2) Giới thiệu các đơn vị chăn nuôi, sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn và có nguồn hàng ổn định (ưu tiên các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP), tham gia cung ứng các sản phẩm nông nghiệp sạch vào thực hiện bình ổn thị trường. (3) Định hướng và tạo điều kiện liên kết giữa các doanh nghiệp tham gia Chương trình  bình ổn thị trường trong việc phát triển chăn nuôi tạo nguồn thực phẩm (con giống, thức ăn, chăn nuôi, giết mổ, chế biến,…) để từ đó góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình bình ổn thị trường năm 2020 và Tết Tân Sửu. Theo dự kiến, chỉ riêng hàng hóa lương thực, thực phẩm mỗi tháng cần dự trữ để phục vụ thị trường trong tỉnh là: 540 tấn gạo, 135 tấn thịt heo, 75 tấn thịt gia cầm, 750 ngàn trứng gia cầm, 50 tấn đường, 296 tấn thủy hải sản, 480 tấn rau củ quả, 67,5 tấn thực phẩm chế biến, 153 tấn dầu ăn, 140 ngàn thùng sản phẩm chế biến từ ngũ cốc.

          Xã hội hóa Chương trình bình ổn thị trường đã được nhiều tỉnh, thành phố áp dụng nhằm huy động nguồn lực của xã hội cùng tham gia, giảm áp lực cho ngân sách không phải hỗ trợ vốn vay và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường; nguồn ngân sách này sẽ sử dụng cho những nhiệm vụ kinh tế-xã hội cấp thiết, quan trọng hơn. Xã hội hóa còn thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất-liên kết-dự trữ-phân phối hàng hóa, tăng tính cạnh tranh và góp phần làm cho doanh nghiệp ngày càng phát triển lớn mạnh [[i]]. Về các tổ chức tín dụng, đây là cơ hội tốt để tiếp cận, thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp và giới thiệu, cung ứng các dịch vụ[[ii]],...

Tài liệu tham khảo

[[i]] Mỹ Phương (2017). Chương trình bình ổn thị trường tại Tp. Hồ Chí Minh: Bài 1: Mười lăm năm một hành trình, https://bnews.vn/chuong-trinh-binh-on-thi-truong-tai-tp-ho-chi-minh-bai-1-muoi-lam-nam-mot-hanh-trinh/39636.html, truy cập ngày 28/7/2020

[[ii]] Tỉnh ban hành Quyết định số 1994/QĐ-UBND ngày 21/9/2016 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc ban hành Kế hoạch bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016-2020

[[iii]] Toàn tỉnh đã có 5 Siêu thị, 25 cửa hàng tiện lợi

Bài, ảnh: Văn Đoái
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 14
  • Trong tuần: 816
  • Tất cả: 434176