Hỗ trợ phí bảo hiểm nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Bảo hiểm nông nghiệp rất quan trọng với người nông dân bởi trong tất cả các ngành thì nông nghiệp là ngành rủi ro nhất, rủi ro về biến động giá cả, về bệnh tật, về thiên tai[[i]].  

Nuôi tôm trong bể tròn

         Nhiều năm qua, Trung ương đã ban hành chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp[[ii]].

         Tùy theo tỉnh, thành phố, trong giai đoạn 2019-2020, chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện đối với cây lúa hoặc trâu, bò hoặc tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ gồm thiên tai và dịch bệnh. Cụ thể đó là: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần; bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, đạo ôn, bạc lá; dịch rầy nâu, sâu đục thân (lúa), Bệnh lở mồm long móng, nhiệt thán (trâu, bò). Thiên tai, dịch bệnh phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Riêng tôm sú, tôm thẻ chân trắng thì không hỗ trợ cho các rủi ro dịch bệnh.

         Mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: hỗ trợ tối đa 90%; cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: hỗ trợ tối đa 20%; tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường: hỗ trợ tối đa 20%.

         Về lý thuyết, bảo hiểm nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, một khi bị rủi ro (thiên tai, dịch bệnh) sẽ được bồi thường một khoản tiền nhất định để giảm thiệt hại và khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, thường bảo hiểm nông nghiệp không được duy trì, kéo dài. Có rất nhiều lý do cho vấn đề này. Đơn cử, đối với người dân, tâm lý “mua dễ nhưng đòi rất khó” đã “ăn sâu” không dễ thay đổi, ngay cả đối với những loại hình bảo hiểm khác. Quy trình, thủ tục bảo hiểm thường rườm rà không tạo sức hút với người dân. Về mức phí bảo hiểm, do sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ và điều kiện kinh tế, người dân ít quan tâm hoặc không tham gia bảo hiểm để giảm chi phí. Một ví dụ trong chăn nuôi, người dân (thường) chỉ quan tâm tiêm phòng vaccine cho vật nuôi khi dịch bệnh đã xảy ra tại địa phương. Ngược lại, cũng do sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ, không an toàn, rủi ro cao nên các doanh nghiệp bảo hiểm cũng không mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp,...

         Tại địa bàn tỉnh Trà Vinh, đã có nhiều hình thức bảo hiểm nông nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước hoặc công ty bảo hiểm nước ngoài hoạt động ở Việt Nam hoặc do cá nhân thực hiện, như: bảo hiểm tiêm phòng vaccine cho bò, bảo hiểm dịch bệnh trên đàn heo, bảo hiểm dịch bệnh đàn gà, bảo hiểm thí điểm đối với nuôi trồng thủy sản cá tra,… nhưng hầu hết các loại hình bảo hiểm đều chưa thành công.

         Trở lại với chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm tôm sú, tôm thẻ chân trắng giai đoạn 2019-2020, Trà Vinh là một trong 5 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, được hỗ trợ phí triển khai chính sách này, các tỉnh còn lại là: Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Trà Vinh không được triển khai bảo hiểm đối với lúa, trâu, bò. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Công ty Bảo Việt Trà Vinh triển khai chính sách bảo hiểm tại 35 xã, phường của huyện Duyên Hải, huyện Cầu Ngang, huyện Trà Cú, huyện Châu Thành và thị xã Duyên Hải.

         Theo kế hoạch, thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm tôm sú, tôm thẻ chân trắng đến 31/12/2020. Tuy nhiên, một khó khăn có thể ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chính sách đó là khung lịch mùa vụ (thả) tôm sú, tôm thẻ chân trắng chỉ còn chưa đầy 03 tháng (khung lịch đến hết tháng 9/2020), nhưng còn rất nhiều công việc phải làm: triển khai tuyên truyền ra dân, tiếp nhận và tổ chức rà soát, lập danh sách đăng ký đối tượng tham gia bảo hiểm; tổ chức thẩm định, tổng hợp danh sách đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp trình cấp thẩm quyền phê duyệt,… Do đó, phải có sự vào cuộc quyết liệt, sự phối hợp tốt, nhịp nhàng của các ngành, chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh.

         6 tháng đầu năm 2020 toàn tỉnh thả nuôi 4,12 tỷ tôm sú, tôm thẻ chân trắng, diện tích thả nuôi 23.452 ha. Nhưng thời tiết biến đổi thất thường ở đầu vụ nuôi làm môi trường nước thay đổi (nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn) tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, đã làm thiệt hại 730 triệu con (17,72%), diện tích thả nuôi bị thiệt hại 1.535 ha (6,55%), số hộ bị thiệt hại trên 3.478 hộ[[iii]]. Vì vậy, theo các chuyên gia, người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp (đối với tỉnh Trà Vinh là tôm sú, tôm thẻ chân trắng) là rất cần thiết trong tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp hiện nay.

Tài liệu tham khảo

[[i]] Nông dân vẫn thờ ơ với bảo hiểm nông nghiệp (2017), http://nongdan.com.vn/nong-dan-van-tho-o-voi-bao-hiem-nong-nghiep-1508.html, truy cập 07/7/2020

[[ii]] Văn bản liên quan đến chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp : Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013; Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 27/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013; Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp; Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; Công văn số 3914/UBND-NN ngày 16/10/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc thông báo lịch mùa vụ thả nuôi một số đối tượng thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh mùa vụ 2019-2020.

[[iii]] Báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT (6 tháng đầu năm 2020); Báo cáo của Cục Thống kê (5 tháng đầu năm 2020).

Bài, ảnh: Trần Văn Đoái

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 35
  • Trong tuần: 1 189
  • Tất cả: 433395