Giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long
Tỉnh Vĩnh Long rất vinh dự là nơi sinh ra những người con ưu tú cho đất nước như Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Trần Đại Nghĩa, các vị ấy đều là những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

         GS.VS. Trần Đại Nghĩa được sinh ra tại một làng quê của tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình nhà giáo có truyền thống hiếu học và tinh thần yêu nước. Ông tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 tại xã Chánh Hiệp (nay là xã Hòa Hiệp), huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Từ nhỏ ông đã nổi bật hơn các bạn học về trí thông minh, học giỏi. Năm lên 7 tuổi, ông mồ côi cha, gia cảnh thiếu thốn nhưng mẹ và chị ông đã cố gắng lo cho ông theo đuổi việc học. Phạm Quang Lễ học Tiểu học tại trường Internat Primaire (nay là trường THPT Lưu Văn Liệt) với kết quả tốt nghiệp loại ưu và thi đỗ đầu vào trường Collège de Mytho (nay là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu) và Trường Pétrus Ký Sài Gòn (nay là Trường THPT Lê Hồng Phong). 

         Năm 1933, khi mới 20 tuổi, Phạm Quang Lễ đã đỗ xuất sắc hai bằng tú tài: Tú tài Pháp và Tú tài Việt. Năm 1935, ông được học bổng du học tại Pháp. Tại đây ông đã học và tốt nghiệp các bằng kỹ sư và cử nhân toán học tại các trường Đại học Bách khoa Paris, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Sorbonne, Đại học Cầu đường Paris. Sau khi tốt nghiệp các trường đại học, Phạm Quang Lễ lần lượt làm việc tại ba công trường chế tạo máy bay của Pháp. Trong thời gian học và là làm việc ở nước ngoài, ông dã dành thời gian để tìm tài liệu và tự mình nghiên cứu về các loại vũ khí ở các thư viện. Sau 11 năm, ông đã hiểu biết rất nhiều kiến thức về pháo, súng máy và bom mìn của các nước, đồng thời quan sát các hệ thống phòng thủ của quân đội Pháp - Đức trong chiến tranh thế giới thứ II.

         Tháng 9/1946, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cùng với một số trí thức khác theo Bác Hồ về nước để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến – kiến quốc của nhân dân ta.

Ngày 05/12/1946, trước ngày Toàn quốc kháng chiến, tại Bắc Bộ phủ, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho một trọng trách làm Cục trưởng Cục Quân giới và Bác đổi tên cho ông là Trần Đại Nghĩa để tránh sự theo dõi của mật thám Pháp.

         Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, GS.VS Trần Đại Nghĩa, đã cùng với các đồng chí của mình và hàng ngàn công nhân kỹ thuật trong cả nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất vũ khí cho Quân đội Nhân dân Việt Nam chiến đấu và giành thắng lợi. Trong đó có những vũ khí được thế giới công nhận và xem như kỳ tích của người Việt Nam, như súng Bazoka, súng đại bác không giật (SKZ), tên lửa SAM II cải tiến của Liên Xô, …

         Vì những đóng góp to lớn đối với quân đội nói riêng và Nhân dân Việt Nam nói chung, GS.VS Trần Đại Nghĩa được phong quân hàm Thiếu tướng và được tuyên dương Anh hùng lao động, được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và nhiều Huân chương cao quý khác. Đảng và Nhà nước cũng tin tưởng giao cho GS.VS Trần Đại Nghĩa đảm trách nhiều chức vụ quan trọng như: Cục trưởng Cục Quân giới (12/1946 - 5/1954), Cục trưởng Cục Pháo binh (8/1949 - 11/1951), Thứ trưởng Bộ Công nghiệp (9/1950 - 9/1960), Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng (9/1960 – 02/1963), Phó Chủ nhiệm ủy ban Kiến thiết Nhà nước (02/1963 – 3/1972), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước (10/1965 - 8/1966), Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (8/1966 - 01/1977), Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (01/1977 - 01/1983), tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ ngày nay Việt Nam.

         Năm 1983, ông nhận nhiệm vụ vận động đội ngũ trí thức trong các ngành khoa học và kỹ thuật để thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam và trở thành Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp Hội Việt Nam, nhiệm kỳ 1983 – 1988, Chủ tịch danh dự Liên hiệp Hội Việt Nam đến khi qua đời vào ngày 09/8/1997, hưởng thọ 85 tuổi.

         Ghi nhận công lao, cống hiến của ông, Đảng, Nhà nước và các cơ quan Trung ương đã đầu tư xây dựng Khu lưu niệm của ông ngay tại quê hương Vĩnh Long và được khánh thành vào ngày 18/5/2015. Khu lưu niệm này gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, thư viện và trung tâm tích hợp dữ liệu về khoa học và công nghệ, phòng hội thảo, chiếu phim, phòng sinh hoạt truyền thống, quảng trường, các hạng mục phụ trợ và cảnh quan. Tại Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đầu tư xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu khoa học và công nghệ và thư viện điện tử phục vụ nghiên cứu khoa học, giới thiệu thân thế, sự nghiệp và các công trình nghiên cứu của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

         Ngoài ra, Tỉnh ủy, Chính quyền và Nhân dân Vĩnh Long còn xây dựng các công trình kiến trúc, cầu đường, trường học mang tên ông như: Đường Trần Đại Nghĩa và Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa tại Phường 4, Thành phố Vĩnh Long; Trường THPT Trần Đại Nghĩa tại huyện Tam Bình; Quỹ học bổng Trần Đại Nghĩa được Hội Khuyến học và Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long lập ra từ năm 2002 để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo học giỏi ở các tỉnh phía Nam, với mục đích nhằm tiếp sức cho những hoàn cảnh khó khăn, cổ vũ phong trào vượt khó hiếu học của học sinh, sinh viên, khuyến khích các em noi gương hiếu học, vượt khó, sáng tạo của GS.VS Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. Đến nay, Quỹ học bổng Trần Đại Nghĩa đã trao hơn 28.000 suất học bổng, với tổng số tiền trên 60 tỷ đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho các học sinh nghèo hiếu học, có điều kiện học tập tốt hơn.

         Đặc biệt từ năm 2006 đến nay, UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định lấy tên ông đặt tên cho Hội thi sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long và giao cho Liên Hiệp Hội Vĩnh Long chủ trì, phối hợp cùng các ngành tổ chức Hội thi 2 năm một lần. Qua 8 lần tổ chức, “Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Trần Đại Nghĩa” đã có tổng số 386 giải pháp tham gia, trong đó đã có 04 giải pháp đạt giải I, 27 giải nhì, 53 giải III và 124 giải khuyến khích. Đã tham gia và đạt nhiều giải tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc do Liên Hiệp Hội Việt Nam và các Bộ Ngành Trung ương tổ chức. Đây là những giải pháp sáng tạo của người lao động về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, nhằm đẩy mạnh việc áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa của địa phương và cả nước.

         Ngoài ra ở nhiều địa phương khác trong cả nước như Thành phố Hà Nội, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, ... tên Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa còn được chọn để đặt tên cho các con đường, công viên, trường học, công trình văn hóa, giáo dục và khoa học khác…

         Lịch sử Vĩnh Long đã trãi qua gần 300 năm từ Long Hồ Dinh đến tỉnh Vĩnh Long ngày nay, vùng đất “địa linh nhân kiệt” đã sản sinh nhiều nhân tài cho đất nước, trong số đó có nhà khoa học lớn của cách mạng Việt Nam, là Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng lao động, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa là một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cánh mạng, một lòng vì nước, vì dân, từ bỏ vàng son, gấm vóc, theo Đảng, theo Bác tham gia kháng chiến, cống hiến cả cuộc đời cho hòa bình độc lập tự do của dân tộc, là trí thức là nhà khoa học tận tụy với quê hương đất nước. Đội ngũ trí thức chúng ta sẽ luôn tự hào, trân quý những cống hiến và sẽ luôn noi theo gương Giáo sư, đặc biệt hơn nữa khi Giáo sư còn là Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1.        Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long, Nhân vật Lịch sử tỉnh Vĩnh Long, NXBCTQG, 2017;

2.        Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, Lịch sử tỉnh Vĩnh Long, NXBCTQG, 2002;

3.        Tỉnh ủy Vĩnh Long – Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam – Học viện Chính trị - Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa Nhà khoa học lớn với Cách mạng Việt Nam, NXBCTQG, 2013.

Bài, ảnh: Kiều Diễm

Liên hiệp Hội Vĩnh Long

 

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 17
  • Trong tuần: 1 113
  • Tất cả: 433449