Công bố tầm nhìn chiến lược “liên kết phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía đông đồng bằng sông Cửu Long”
Ngày 10/01/2019 tại thành phố Bến Tre, UBND tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Tiền Giang cùng phối hợp tổ chức Hội thảo “Công bố Tầm nhìn chiến lược liên kết phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long”. Đến dự có ông Võ Thành Hạo - Bí Thư Tỉnh uỷ Bến Tre, cùng lãnh đạo Ủy ban nhân dân và Sở, ngành các tỉnh, các chuyên gia hoạch định chính sách, các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Ký kết 4 tỉnh tiểu vùng duyên hải phía Đông Nguồn: http://baodongkhoi.vn/tieu-vung-duyen-hai-phia-dong-dong-bang-song-cuu-long-cong-bo-tam-nhin-lien-ket-phat-trien-ben-vung-10012019-a56323.html

Tiểu vùng duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long gồm 04 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh nằm ở vùng duyên hải cửa sông của hệ thống sông Cửu Long đổ ra biển đông và là vùng có đặc trưng về sinh thái ven biển cửa sông. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và biến đổi khí hậu rõ nét hơn, bên cạnh những cơ hội mới được mở ra cũng có không ít khó khăn, thách thức cần có sự liên kết, hợp tác để giải quyết mang tính chất tổng thể, liên vùng. Nhận thấy những điểm tương đồng về thế mạnh, tiềm năng cũng như cơ hội để cùng nhau phát triển, Bến Tre cùng với các tỉnh trong tiểu vùng duyên hải phía đông thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương xây dựng Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long. Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh đã phối hợp tổ chức hội thảo liên kết để thảo luận, thống nhất các nhiệm vụ, công việc và định hướng tầm nhìn mang tính chiến lược trong liên kết vùng, làm cơ sở để xây dựng Đề án.
Sau các lần hội thảo trước, 4 tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ về những nguyên tắc, nội dung, định hướng các lĩnh vực liên kết; hình thành cơ sở ban đầu để triển khai, phối hợp thực hiện các hoạt động hợp tác liên kết. Trên cơ sở đó, các tỉnh trong tiểu vùng đã phối hợp với các chuyên gia tiến hành xây dựng tầm nhìn chiến lược để làm nền tảng, định hướng phát triển liên kết giữa các tỉnh, từ đó đề xuất những nội dung trọng tâm nhằm phục vụ thiết thực cho việc xây dựng Đề án chi tiết liên kết tiểu vùng, bao gồm những nội dung trọng tâm như sau:
(1) Liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực;
(2) Liên kết về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông thuỷ, bộ, logistic, thuỷ lợi;
(3) Liên kết về quy hoạch vùng sản xuất, nhất là các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của các địa phương;
(4) Liên kết về bảo vệ, quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên, trong đó có tài nguyên cát, tài nguyên nước;
(5) Liên kết trong xúc tiến mời gọi hợp tác đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, chú trọng công nghiệp chế biến nông sản, xúc tiến thương mại, du lịch;
(6) Liên kết xây dựng quy chế phối hợp trao đổi thông tin đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển bền vững tiểu vùng;
(7) Liên kết để xây dựng các chương trình, dự án chung của tiểu vùng liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo vệ nguồn nước… đặt trong tổng thể cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long;
(8) Liên kết phát triển nguồn nhân lực.

Tại hội thảo, các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long giới thiệu, ra mắt Ban điều hành gồm lãnh đạo UBND các tỉnh và ký kết tầm nhìn chiến lược liên kết phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long, trong đó chia thành từng giai đoạn thực hiện trong 5 năm. Ban điều hành gồm lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh tham gia và thành lập Tổ giúp việc thực hiện. Các tỉnh sẽ luân phiên giữ nhiệm vụ Trưởng ban để điều hành các hoạt động liên kết hằng năm. Trước mắt, năm 2019, Trà Vinh giữ vai trò Trưởng ban điều hành.
Để thực hiện liên kết thành công tầm nhìn chiến lược, các tỉnh cần xây dựng cơ chế, quy chế điều hành, hợp tác để thực hiện Liên kết Tiểu vùng Duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long, rà soát điều chỉnh theo từng giai đoạn 5 năm; Xây dựng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án liên kết phát triển bền vững; Thông qua Quy chế, Ban điều hành liên kết vùng, các tỉnh chia sẻ và đối chiếu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với nhau trong từng giai đoạn để tìm lĩnh vực hợp tác có hiệu quả, phù hợp và loại trừ những lĩnh vực mâu thuẫn, cạnh tranh không cần thiết. Đồng thời, phải tổ chức theo dõi tiến độ thực hiện các hoạt động thường xuyên và có tổ chức đánh giá định kỳ để rút kinh nghiệm, làm cơ sở điều chỉnh Đề án liên kết tiểu vùng được phù hợp và kịp thời.

* Tài liệu tham khảo:
[1] Quyết định số 593/QĐ-TTg, ngày 26/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020.
[2] Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ về việc phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
[3] Tầm nhìn chiến lược “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long” ký kết giữa các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Tiền Giang.
[4] TS. Nguyễn Đức Lộc, “Tái cơ cấu nông nghiệp và liên kết tiểu vùng duyên hải phía đông,” Hội thảo công bố tầm nhìn chiến lược liên kết phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, 2019. 
[5] Cẩm Trúc, “Tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long: Công bố tầm nhìn liên kết phát triển bền vững,” 

                                                                                                                                         Tin, ảnh: Trần Văn Vũ


TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 41
  • Trong tuần: 5 632
  • Tất cả: 427400