Hội thảo Khoa học “Quy trình canh tác và phòng trừ dịch hại trên cây bưởi”
Ngày 11 tháng 10 năm 2022, tại Hội trường Ủy ban nhân dân huyện Cầu Kè. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trà Vinh phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Cầu Kè tổ chức Hội thảo Khoa học chủ đề “Quy trình canh tác và phòng trừ dịch hại trên cây bưởi”, nhằm phổ biến Quy trình canh tác và phòng trừ dịch hại trên cây bưởi; các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nhà vườn từ cây bưởi trong thời gian tới. 

Bà Lê Tuyết Hồng – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phát biểu đề khai mạc Hội thảo

         Qua đó, giúp ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, địa phương hoạch định giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cây bưởi trong thời gian tới.

          Đến dự Hội thảo: Bà Lê Tuyết Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Ông Diêu Hùng Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cầu Kè và hơn 60 đại biểu là đại diện các Sở ban ngành tỉnh, đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện; các đồng chí đại diện Ủy ban nhân dân và cán bộ nông nghiệp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; các ban, ngành, đoàn thể và nông dân sản xuất bưởi ở các xã, thị trấn trong huyện Cầu Kè…

         Tại Hội thảo, đại biểu đã được nghe các báo cáo về Thực trạng và chiến lược phát triển cây bưởi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; thông tin một số chính sách hỗ trợ phát triển cây bưởi của tỉnh Trà Vinh; thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển cây bưởi trên địa bàn huyện Cầu Kè, Tiểu Cần… đặc biệt báo cáo thuyết trình của Ths Nguyễn Thị Lùng về Quy trình canh tác và phòng trừ dịch hại trên cây bưởi; các ý kiến phát biểu tham luận và thảo luận của đại biểu đều tập trung thống nhất xác định cây bưởi là cây chủ lực của tỉnh. Nhưng thực trạng còn một số bất cập hiện nay đối với cây bưởi như: trình độ sản xuất còn hạn chế, người trồng bưởi thường sản xuất theo tập quán, kinh nghiệm, không đảm bảo quy trình kỹ thuật, phòng trừ dịch hại kém hiệu quả, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tập trung, không đáp ứng được yêu cầu quy mô công nghiệp; giá thành cao, chất lượng và an toàn thực phẩm chưa đảm bảo. Các cơ sở thiếu vốn đầu tư sản xuất, gặp khó trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ…. Tại Hội thảo các địa biểu kiến nghị các ban ngành tỉnh, huyện, xã và các cơ quan có thẩm quyền: xem xét cần có nhiều mô hình thí điểm về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mô hình sản xuất hữu cơ sinh học và nhân rộng các mô hình có hiệu quả, tiếp tục hỗ trợ các cuộc hội nghị liên kết giữa Hợp tác xã và các Công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tổ chức các lớp tập huấn về quy trình sản xuất cây bưởi theo hướng an toàn, kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch, phòng trị sâu bệnh trên cây bưởi để từng bước thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với nông nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi nông sản toàn cầu./.

Tin, ảnh: Hiền Hưng

Tin khác
1 2 3 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 17
  • Trong tuần: 1 113
  • Tất cả: 433449